Lễ hội Đền Vua Mai (Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) được tổ chức hàng năm vào Rằm tháng Giêng. Đây là lễ hội lớn được duy trì từ nhiều đời nay nhằm tưởng nhớ công đức Vua Mai cùng các tướng lĩnh đã đánh bại quân xâm lược phương Bắc...Khu đền thờ Vua Mai trong ngày lễ hội. Ảnh: Lan Xuân- TTXVN
|
Lễ hội gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước, lễ đại tế và lễ tạ. Phần hội năm nay được tổ chức đa dạng với nhiều nội dung phong phú hấp dẫn. Bên cạnh các trò chơi dân gian đấu vật, chọi gà, cờ thẻ, đu tiên, đu quay, đua thuyền, thi “làm cỗ xôi gà”...còn có thi đấu bóng chuyền, bóng bàn. Đặc biệt là màn biểu diễn nghệ thuật về Mai Thúc Loan do Trung tâm bảo tồn dân ca xứ Nghệ tỉnh Nghệ An biểu diễn nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ, đồng thời khôi phục lại các tục lệ truyền thống mang màu sắc dân gian của bà con.
Vua Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Sau khi ông mất, nhân dân đã xây dựng mộ tại núi Đụn Sơn, hậu cứ của nghĩa quân và là nơi ông trút hơi thở cuối cùng, (nay thuộc xã Vân Diên, Nam Đàn); lập đền thờ ông tại Vệ Sơn, trung tâm chỉ huy chiến đấu của ông thuở trước (nay thuộc khối Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn). Ghi nhớ công lao người mẹ đã có công sinh thành và dưỡng dục ông, nhân dân đã xây mộ tại núi Dẻ, xã Nam Thái. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, hàng năm nhân dân Nam Đàn tổ chức nhiều kỳ lễ trọng như: Giỗ thân Mẫu Vua Mai 14 tháng 7 Âm lịch, Giỗ Vua Mai vào 16 tháng 9 Âm lịch.
*Trong 2 ngày 13 và 14/2, Ban Tổ chức lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc đã tổ chức Hội thi bánh chưng, bánh dày lần thứ V. Đây là một trong những hoạt động quan trọng của Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2014. Hội thi năm nay thu hút 250 nghệ nhân xuất sắc đến từ 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Mỗi đội chuẩn bị 6,8 kg gạo ngon để gói 5 bánh mặn và 5 bánh chay trong thời gian 10 phút, luộc trong 5 tiếng và 6,8 kg gạo ngon để giã bánh dày. Với những cách thức độc đáo, lạ mắt khi gói, luộc bánh chưng, giã bánh dày, Hội thi tạo nên sự sôi động, hấp dẫn, cuốn hút khách thập phương. Đặc biệt, một số đội có sản phẩm đẹp, chất lượng cao, thời gian hoàn thiện nhanh.
Trước đó, Ban Tổ chức lễ hội tổ chức đoàn rước với các kiệu cỗ lễ dâng bánh chưng và bánh dày của Hội thi từ chùa Côn Sơn lên đền Nguyễn Trãi. Đây là nghi lễ thể hiện lòng thành kính dâng lên các bậc tiền nhân những sản vật tinh hoa của xứ Đông.
*Ngày 14/2, UBND thành phố Lào Cai đã long trọng tổ chức lễ khai Hội Xuân Đền Thượng năm 2014, với sự tham gia của đại diện các Bộ, ban, ngành Trung và địa phương, cùng hàng nghìn du khách thập phương.
Sau tiếng trống khai hội là phần lễ với đội hình rước kiệu hơn 100 người mặc lễ phục theo quy định từ trụ sở UBND thành phố Lào Cai về khu vực Đền Thượng. Tiếp đó, lễ khai mạc chính thức diễn ra với chương trình nghệ thuật đặc sắc bằng màn sử thi tái hiện sự tích Đền Thượng cùng với bước phát triển, hội nhập và thành tựu 10 năm tái lập thành phố vùng biên với chủ đề “Âm vang hồn thiêng sông núi” gồm 3 chương. Tiếp theo là lễ dâng hương được tiến hành theo nghi thức truyền thống. Kết thúc phần lễ là phần khai hội, với các hoạt động văn hóa - thể thao phong phú, đa dạng… Ấn tượng nhất là màn trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc với sự tham gia của các xã, phường trên địa bàn thành phố Lào Cai, góp phần làm “nóng” không khí lễ hội. Trong Hội Xuân Đền Thượng năm nay, các câu lạc bộ nghệ thuật trên địa bàn còn thi tài qua phần biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, mang đến cho người xem những tiết mục đậm bản sắc truyền thống vùng, miền.
Đặc biệt, khu vực hội chợ thương mại, giới thiệu sinh vật cảnh, hội thi chọi chim; gian hàng giới thiệu việc làm cho người lao động cũng thu hút nhiều địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Lào Cai tham gia.
Viết Hùng, Mạnh Tú, Nguyễn Thắng