Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết, Lễ hội đền A Sào nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của Đức Thánh Trần, đồng thời là dịp để người dân địa phương, du khách tới hành lễ dâng hương, chiêm bái.
Địa danh A Sào thời Trần thuộc Hương A Cảo là Thái Ấp của Phụng Càn Vương Trần Liễu, phụ thân của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Người đã được nhân dân trong vùng phụng thờ là bậc khai ấp Tiên Công.
Nhận rõ vai trò, vị thế, chiến lược hiểm yếu của địa bàn A Sào nên trước khi diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (năm 1285), các vua Trần cùng Hưng Đạo Đại Vương đã trực tiếp thị sát và chỉ đạo xây dựng vùng ven sông Hóa thành căn cứ địa vững chắc để triển khai thế trận thủy chiến.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 (năm 1288), Hưng Đạo Đại Vương cưỡi voi chỉ huy chiến dịch, khi vượt sông Hóa, qua bến A Sào, voi chiến bị sa lầy, dân chúng tìm đủ mọi cách vẫn không cứu được, đành dùng thuyền mảng đưa Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương và tướng sỹ qua sông. Thương xót voi chiến trung thành thân tín đã cùng Đại Vương vào sinh ra tử, nếm mật nằm gai và cảm kích trước thịnh tình của dân chúng, Hưng Đạo Đại Vương đã tuốt gươm báu chỉ xuống sông thề: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này”.
Chiến thắng trận Bạch Đằng đã đập tan tham vọng xâm lược Đại Việt của quân Nguyên Mông. Sau ngày ca khúc khải hoàn, bến sông nơi voi trận hy sinh được nhân dân gọi là Bến Tượng. Trên bến người dân lập miếu thờ tượng voi, dân làng A Sào lập đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương, gọi tên là Đền A Sào hay còn gọi là Đệ Nhị Sinh Từ hoặc A Sào linh miếu.
Năm 2011, khu di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Lễ hội truyền thống Đền A Sào vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Lễ hội truyền thống đền A Sào năm 2024 diễn ra từ ngày 19 - 21/3. Ngoài những hoạt động tế lễ theo truyền thống còn có các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian như kéo co, thi giã bánh giầy... và các hoạt động biểu diễn văn nghệ khác.