An Sinh Vương Trần Liễu sinh năm Tân Mùi (tức năm 1211), là tôn thất thuộc hoàng tộc nhà Trần, con trưởng của Thượng hoàng Trần Thừa, anh ruột của Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông (1218 -1277), vị vua đầu tiên của Triều Trần. Ông được vua Lý Huệ Tông gả công chúa Thuận Thiên, phong là Phò mã đô úy, cấp đất A Sào (nay là phần đất thuộc hai xã An Đông và An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) để làm thực ấp. Nhờ đức lớn của An Sinh Vương Trần Liễu mà dân khang, vật thịnh. Năm 1237, triều đình cắt đất các xã An Phụ (nay thuộc thị xã Kinh Môn), An Dưỡng, An Sinh, An Hưng, An Bang (nay thuộc thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) ban cho ông làm thực ấp và phong tước An Sinh Vương.
An Sinh Vương giúp vua trấn thủ vùng Đông Bắc, từ dãy An Phụ, Yên Tử. Ông đã xây dựng, kiến thiết khu vực ven biển Hải Đông thành vùng giàu có, mạnh về kinh tế, quốc phòng, nhân dân thờ ông làm thành hoàng. Cuộc đời An Sinh Vương Trần Liễu sống đạm bạc, lấy việc xây dựng trang ấp giàu mạnh, nhân dân no đủ làm niềm vui, dạy các con phương trưởng là điều hạnh phúc. Trong việc khai hóa vùng sơn dã thành một trung tâm văn hóa, khoa bảng nở rộ, tăng viện huy hoàng, đạo quán rộng khắp nổi tiếng vương triều, đều có công mở đường của An Sinh Vương.
An Sinh Vương Trần Liễu là thân sinh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1288-1300), người đã dành bao tâm huyết nuôi dạy con khôn lớn, tìm thầy giỏi cho con trai - một người con trung hiếu, văn võ toàn tài, nhân - nghĩa - trí - dũng, trở thành anh hùng dân tộc, thống lĩnh quân dân Đại Việt đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông trong cuộc kháng chiến lần thứ 2 (1258) và lần thứ 3 (1288). Năm 1251, An Sinh Vương Trần Liễu tạ thế tại phủ đệ An Phụ, vua Trần Thái Tông truy phong tước Khâm Định Đại Vương, sắc chỉ cho nhân dân lập đền thờ trên núi An Phụ.
Hoạt động tưởng niệm Ngày mất của An Sinh Vương Trần Liễu trở thành ngày hội truyền thống của địa phương từ nhiều thế kỷ qua. Lễ hội bắt đầu từ ngày mùng 8 tháng Giêng đến ngày mùng 1 tháng 4 âm lịch hằng năm.
Tháng 4/2022, Lễ hội đền Cao An Phụ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Mạc Đăng Khôi, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao thị xã Kinh Môn cho biết, nằm trong hoạt động của lễ hội từ mùng 8 tháng Giêng đến nay, thị xã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như, các trò chơi dân gian, giải bóng chuyền hơi mở rộng, giải vật dân tộc, giải cờ tướng, giải cờ tướng mở rộng để nhân dân vui chơi khi đến tham quan, chiêm bái.
Lễ tưởng niệm 773 năm Ngày mất của An Sinh Vương Trần Liễu thể hiện sự trân trọng lịch sử, ôn lại truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự cường, lòng tự hào dân tộc, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ, tôn vinh các bậc tiền nhân có công lao trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.