Thông qua Hội thảo góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý di tích, số hóa khối lượng cổ vật đồ sộ, tạo cơ sở dữ liệu số để từng bước khai thác nhằm lan tỏa và gia tăng giá trị di sản cung đình triều Nguyễn.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang quản lý 43 điểm di tích, trong đó có 5 Di sản Văn hóa thế giới đã được UNESCO vinh danh gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
Hiện nay, Trung tâm mới triển khai bước đầu đề án chuyển đổi số như, tạo lập cơ sở dữ liệu GIS về quy hoạch phân vùng chỉ giới di tích; ứng dụng vé điện tử; triển khai app hướng dẫn các điểm tham quan trong Đại Nội Huế; tạo cơ sở dữ liệu 3D và hệ thống ứng dụng VR/AR đối với khoảng 270 cổ vật; xây dựng cơ sở dữ liệu số về hồ sơ trùng tu, tôn tạo và phục dựng di tích, các loại hình lễ hội, nghệ thuật cung đình; cơ sở dữ liệu về hệ thống cây xanh, cây di sản tại các điểm di tích…
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý và lan tỏa, gia tăng giá trị di sản là một xu thế tất yếu hiện nay. Trung tâm đang quản lý một kho tàng đồ sộ các di sản văn hóa cung đình đặc sắc, để khai thác nguồn tài nguyên này phục vụ cho công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, đòi hỏi việc đẩy mạnh hợp tác với các công ty công nghệ số. Trung tâm đang triển khai số hóa 3D đối với khoảng 11.000 cổ vật các loại nhằm tạo cơ sở dữ liệu, phục vụ quá trình khai thác nguồn tài nguyên phong phú này trên không gian số.
Tại Hội thảo, các chuyên gia chia sẻ những công nghệ mới để số hóa di sản vật thể và phi vật thể nhằm tạo kho dữ liệu số, cách thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm văn hóa đến người dùng trên không gian số…