Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc - Bài cuối: Tỏa sáng các giá trị văn hóa

Tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc chính là mảnh đất màu mỡ cho các nghệ sỹ sáng tạo.

Chú thích ảnh
Sắc xuân Hoàng thành Thăng Long. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN

Thực tế cho thấy các giá trị của văn hóa nhiều năm qua đã được khai thác trong nhiều sản phẩm, góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia, dân tộc từ văn hóa và bằng văn hóa. Giới trẻ góp phần đáng kể trong hành trình này bằng những sản phẩm tinh tế được đầu tư chất lượng dưới lăng kính của người trẻ và quan trọng là thu được lợi nhuận đáng kể.

Trân trọng sự sáng tạo của người trẻ 

Chất liệu dân gian, nghệ thuật truyền thống các vùng miền vốn luôn là chuỗi mạch nguồn để các nghệ sỹ khai thác, sáng tạo sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn. Điều đáng mừng là thế hệ những người trẻ tuổi ngày nay đã luôn trân trọng các giá trị truyền thống và tiếp nối một cách đầy cảm hứng. Có những sản phẩm nghệ thuật của giới trẻ đã vượt ra khỏi biên giới, thậm chí trở thành “hiện tượng”, “trào lưu” trên thế giới nhờ sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội. 

Điểm những sản phẩm âm nhạc nổi đình đám thời gian gần đây, có thể nhắc tới Hoàng Thùy Linh – nữ nghệ sỹ với “See tình” – đĩa đơn nằm trong album LINK của cô, ra mắt tháng 2/2022. Bài hát có giai điệu dance-pop, lấy cảm hứng từ những giá trị đặc trưng của miền Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long với miền sông nước, rừng tràm Trà Sư, chợ nổi, cổng cưới lá dừa, nồi lẩu, âm nhạc đậm âm hưởng đờn ca tài tử... Đến tháng 2/2023, trên mạng xã hội Youtube, ca khúc này đã thu hút được 4,2 triệu lượt xem. 

Ca khúc có giai điệu “bắt tai”, một số đoạn ca từ có thể hát theo, hình ảnh màu sắc đẹp mắt, đặc biệt là có phần vũ điệu rất lôi cuốn. Ê kíp sản xuất tiếp tục tạo nên cơn sốt cho “See tình” thông qua Tiktok; nhanh chóng tạo ra xu hướng những người nổi tiếng nhảy theo vũ điệu bài hát này. Có thể bắt gặp các clip vận động viên, ca sỹ, diễn viên, hoa hậu các nước cùng nhiều Tiktoker trên thế giới nhảy cùng “See tình”, từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia đến Canada, Mỹ, Brazil, Bangladesh, Pakistan…

“See tình” xoay quanh câu chuyện tình yêu dễ thương của cô tiên cá khi cảm mến chàng trai đánh cá ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Trong bài hát này có đan xen những cảnh dựng lẫn kĩ xảo, có rất nhiều yếu tố từ vật dụng, đồ đạc đến cả văn hóa, tín ngưỡng gắn liền với người miền Tây được thể hiện theo một cách hoàn toàn mới mẻ, đem lại góc nhìn hấp dẫn về văn hóa miền Tây...

Hình ảnh, bối cảnh, kịch bản đều được xây dựng trên nền tảng những cảm xúc giản dị và tự nhiên nhất của tình yêu. Hoàng Thùy Linh và ê kíp chia sẻ, việc chọn lựa, khai thác văn hóa miền Tây Nam Bộ là bước đi mới mẻ bởi hầu hết các sản phẩm trước đây của cô đều chủ yếu tập trung khai thác văn hóa miền Bắc.
 
Nữ nghệ sỹ đã rất biết cách khai khác các giá trị văn hóa khắp vùng miền để làm nổi bật sản phẩm nghệ thuật của mình. Mở đầu là “Bánh trôi nước” khai thác chất liệu văn học, hàng loạt tác phẩm sau đó của Hoàng Thùy Linh cũng có yếu tố dân gian, mang đậm màu sắc văn hóa Việt như “Tứ phủ”, “Duyên âm”, “Kẻ cắp gặp bà già”, “Gieo quẻ”…

Không chỉ Hoàng Thùy Linh, nhiều nghệ sỹ trẻ khác đã cho ra mắt những sản phẩm âm nhạc lấy cảm hứng từ truyện cổ tích, lịch sử, tác phẩm văn học, âm hưởng dân gian các vùng miền trong sản phẩm âm nhạc mới. Đây là minh chứng cho thấy sức sống của các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại, hội nhập với tinh thần “hòa nhập nhưng không hòa tan” hiện nay. 

Ở lĩnh vực hội họa, họa sĩ trẻ Vinh Vương cùng nhóm bạn của mình đã thành lập dự án vẽ tranh về văn hóa, du lịch Việt Nam. Trong đó nổi bật là dự án “Ký ức Việt Nam”. Dự án này ra đời vào giữa năm 2018 gồm 5 dự án nhỏ: “Miền Trung”; “Đại ngàn Tây Nguyên”; “Đông Nam Bộ”; “Đất Bắc” và “Miệt Cửu Long”.

Chuỗi dự án này mang đến bộ sưu tập tranh vẽ khá đồ sộ về thắng cảnh, di tích của các vùng, miền. Điều ý nghĩa là “Ký ức Việt Nam” được xây đắp từ sự đóng góp của đông đảo các họa sỹ, nghệ sỹ đồ họa và minh họa, khắc họa một bức tranh lớn về cảnh quan, văn hóa và di sản của đất nước.

Bộ tranh giới thiệu kiến trúc của 15 tỉnh thành phố miền Trung là dự án thành phần đầu tiên ra mắt của “Ký ức Việt Nam”. Có 50 họa sỹ đã đóng góp tác phẩm, khắc họa 100 công trình kiến trúc khác nhau. Tranh cũng lồng ghép thông điệp về loại hình du lịch dành cho người khuyết tật. Do đó, bộ tranh tập trung khắc họa các di tích văn hóa thay vì cảnh quan thiên nhiên. Ngoài phần kiến trúc, dự án miền Trung còn được khắc họa ẩm thực và những tích truyện, truyền thuyết dân gian.

Có thể kể đến những món ăn của miền Trung được khắc họa như bánh canh chả cá; cốm hộc ở Bình Thuận, mật nho Ninh Thuận, mì mắm Tuy Hòa... Các câu chuyện kể lại một cách tóm lược những tích cổ, chuyện xưa gắn với từng vùng đất văn hóa, lý giải nguồn gốc các vị thần, sự tích các địa danh, gửi gắm bài học dân gian, thông qua hình thức tranh minh họa sáng tạo, đa phong cách, có cả hình thức truyện tranh. Đó là sự tích Vua thần Pô Klong Garai ở Ninh Thuận; đảo Tiên Nữ ở Khánh Hòa; đèo Cù Mông ở Phú Yên... giúp người xem, nhất là các bạn trẻ hiểu hơn về lịch sử, văn hóa mỗi vùng miền qua những câu chuyện cổ...

Đến nay, họa sỹ Vinh Vương cùng các đồng nghiệp đã thực hiện xong 5 dự án của “Ký ức Việt Nam”. Sau miền Trung là đến các thắng cảnh ở Tây Nguyên. Đông Nam Bộ là hệ thống di sản văn hóa và di tích lịch sử. Dự án Đất Bắc đề cập đến làng nghề truyền thống và đương đại. Còn Miệt vườn Cửu Long khai thác các điểm đến phổ biến ở 13 địa phương như nhà thờ Cù Lao Giêng (An Giang); đảo Phú Quốc (Kiên Giang); chùa Kh’ Leang (Sóc Trăng); nhà cổ Huỳnh Phủ (Bến Tre); chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long); Làng Bột (Đồng Tháp)… Công chúng có thể xem các bức tranh của dự án “Ký ức Việt Nam” trên trang https://idesign.vn.

Họa sỹ Vinh Vương, người tổ chức dự án “Ký ức Việt Nam” chia sẻ: Đất nước ta hiện nay có một số nét văn hóa đang dần mai một, thậm chí là mất đi. Do đó, dự án cố gắng giới thiệu các nét văn hóa cổ truyền đến cộng đồng, nhất là các bạn trẻ. Qua đó cũng giới thiệu các họa sỹ trẻ tiềm năng, góp phần quảng bá du lịch Việt Nam. 

Đặc biệt, với dự án “Đất Bắc”, ý tưởng được hình thành từ 2018, ban đầu mong muốn vẽ các điểm đến du lịch. Nhưng khi đi điền dã, nhóm nhận thấy các làng nghề phát triển mạnh và đa dạng hơn các nơi khác nhưng cũng có nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một. Do đó, với dự án này, nhóm mong muốn nhắc nhở mọi người về một nét văn hóa, một nguồn chất liệu luôn hiện hữu trước mắt, nhưng chúng ta đôi khi lãng quên hoặc không để tâm vào việc tiếp cận. 

Văn hóa dân tộc tạo ra sự khác biệt

Trở lại với bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) chia sẻ: Trong bối cảnh văn hóa năm 1943, Đề cương đã tạo nên sức sống, động lực mới để những người làm văn hóa, sáng tạo văn hóa trở thành những chiến sỹ trên chính mặt trận đó. Ngày nay, khi chúng ta coi văn hóa là một trụ cột của sự phát triển đất nước, gắn với phát triển bền vững thì 3 nguyên tắc cốt lõi là dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa càng cần phải được phát huy.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương: Muốn phát huy được các nguyên tắc trên thì phải vận dụng được khoa học, đầu tư để văn hóa có thể đáp ứng được yêu cầu của đông đảo quần chúng. Chúng ta cần có sự đầu tư về kinh phí, chủ động giải pháp hợp tác công tư; có nhận thức đúng về việc chuyển tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm của Việt Nam và cần huy động toàn bộ nguồn lực của xã hội. Chúng ta phải biến văn hóa thành “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”, trở thành một niềm tự hào, sức mạnh bản sắc, sự thuyết phục với thế giới bằng những giá trị, sản phẩm dịch vụ văn hóa từ chính sự sáng tạo của còn người Việt Nam.

Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Nghệ sỹ Ưu tú Trần Ly Ly là người đã từng học tập, làm việc ở nước ngoài và đảm nhiệm nhiều cương vị công tác trong giới nghệ thuật. Bà được đánh giá cao khi là diễn viên múa và sau này là biên đạo; đã từng tham dự nhiều Festival múa đương đại quốc tế…

Trao đổi về giá trị văn hóa truyền thống trong sáng tạo nghệ thuật đương đại, bà Trần Ly Ly khẳng định: Nền tảng văn hóa nào cũng phải lấy tinh chất của truyền thống, dân tộc, sự đặc sắc, khác biệt của dân tộc đó là nền tảng chính. Nếu không khẳng định được “tôi là ai” thì sẽ trở nên mờ nhạt, hòa tan vào tất cả. Nói một cách khác, truyền thống là tinh chất, là cơ sở, nền tảng để phát triển công nghiệp văn hóa.

Bà cho rằng cần phải tạo ra một trào lưu về sáng tác, đầu tư sâu, bài bản, để có thể tạo ra được những chỉ số xuất khẩu văn hóa; khai thác các giá trị văn hóa để đem ra thế giới. Việc này không thể chỉ là việc của từng cá nhân đơn lẻ mà cần phải tập hợp lực lượng đi cùng nhau. Kết quả từ sự đầu tư cho văn hóa không thể thấy trong ngày một ngày hai mà có thể hơn 10 năm hoặc lâu hơn nữa. |

Nghệ sỹ Ưu tú Trần Ly Ly cũng cho rằng, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh của nước ta nếu tập trung đầu tư thật sâu, chi tiết, tầm vóc thì sẽ là mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa. Đến nay, các sản phẩm văn hóa giải trí nước ta đã bước đầu đạt được nhiều chỉ số, nhưng đó chưa phải là sản phẩm thể hiện được nội tại của văn hóa, là sản phẩm đặc trưng văn hóa của Việt Nam. Vẫn cần có những tác phẩm tạo ra hiệu ứng rộng khắp, giá trị cộng đồng, độ rộng và giá trị chiều sâu. Các nghệ sỹ, nghệ thuật biểu diễn của chúng ta cũng có thể đứng vào những câu chuyện phát triển chung trên thế giới. Chúng ta phải đi song song cả hai con đường là bề nổi và chiều sâu. Nghệ thuật của Việt Nam nói chung nên phát triển theo hình chóp, để vừa có những sản phẩm đỉnh cao, vừa có những sản phẩm đa dạng, đạt chỉ số với thế giới.

Nhưng cách gì để thúc đẩy, tạo hiệu ứng mạnh hơn cho các sản phẩm nghệ thuật của Việt Nam? Theo bà Trần Ly Ly, có thể để cho nhà sản xuất tự lựa chọn đầu tư những thứ cộng đồng và xã hội cần. Bên cạnh đó thì sự đầu tư tập trung, đặt hàng của Nhà nước là quan trọng. Sẽ có hội đồng thẩm định tìm những người có năng lực để có đầu tư thích đáng; có thời gian kiểm nghiệm sản phẩm ở những thời điểm nhất định. Việc đặt hàng không nhất thiết chỉ dành cho những người sống ở Việt Nam mà có thể phối kết hợp trong và ngoài nước, có thể tận dụng được tài năng của các nghệ sỹ đang sống ở nước ngoài… để tạo ra nhiều sản phẩm tập thể có giá trị.

Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc về đầu tư cho văn hóa. Chính sách văn hóa của Hàn Quốc được phát triển liên tục trong vài thập kỷ gần đây, trong đó thể hiện rõ đường lối chung và các mục tiêu quốc gia cho từng giai đoạn. Mặc dù các mục tiêu văn hóa của từng thời kỳ có thay đổi nhất định, tùy thuộc theo hoàn cảnh cụ thể nhưng mục tiêu chủ yếu và thường xuyên trong chính sách văn hóa Hàn Quốc là xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển văn hóa, nghệ thuật; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân và thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa.

Hàn Quốc đã có hai thập niên đầu tư tối đa, có sự kết nối liên ngành tập trung, tạo nên hệ sinh thái cho văn hóa, tạo nên sức ảnh hưởng rộng khắp trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Thế giới biết đến K-pop, thời trang, điện ảnh, văn hóa Hàn Quốc thông qua các sản phẩm nghệ thuật. Việt Nam cũng cần một hành trình như vậy để có những tư tưởng, đường hướng, sản phẩm nghệ thuật phù hợp với thực tiễn với sự phát triển, đổi mới của đất nước.

Thanh Giang (TTXVN)
Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc - Bài 2: Thúc đẩy sự tiến bộ và phồn vinh của văn hóa dân tộc
Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc - Bài 2: Thúc đẩy sự tiến bộ và phồn vinh của văn hóa dân tộc

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt từ năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN