Đền thờ Cao Lỗ Vương cổ kính, linh thiêng nằm trên bãi bồi ven sông Đuống thuộc thôn Đại Trung (tên nôm là làng Lớ, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Đây là nơi ghi dấu, tưởng niệm và tôn vinh bậc thiên tài quân sự của dân tộc buổi bình minh dựng nước và giữ nước.
Theo sử liệu và văn vật của địa phương truyền lại: Cao Lỗ Vương họ Cao tên Lỗ, lại có tên là Thông, sinh tại thôn Sỹ Lộ, trang Đại Than, tổng Vạn Tỵ, huyện Gia Bình, phủ Thuận Thành, bộ Vũ Ninh (Bắc Ninh xưa). Ngay từ nhỏ ông đã tỏ ra là người thông minh, hiếu học, khi trưởng thành văn võ đều hơn người và được người dân địa phương tôn làm Đô Lỗ. Sau theo phò vua An Dương Vương đánh giặc, nhờ lập được nhiều công trạng, ông được phong tước Hầu. Khi An Dương Vương xây thành ốc Cổ Loa (ở Đông Anh, Hà Nội ngày nay), ông được vua giao việc thiết kế, xây dựng thành. Thành xây xong, ông lại chế tạo "Nỏ thần" - một kỳ công về kỹ thuật quân sự thời cổ, góp phần quan trọng trong việc chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Truyền rằng, nỏ thần do tướng quân Cao Lỗ chế tạo cực mạnh, có thể bắn một phát hàng trăm mũi tên, tiêu diệt được hàng trăm tên giặc, do đó được gọi là Linh Quang thần nỏ.
Di tích đền thờ tướng quân Cao Lỗ thuộc thôn Đại Trung, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. |
Lúc đó, Triệu Đà đem quân xâm lược Âu Lạc, An Dương Vương nhờ có nỏ thần mà đánh lui được mọi cuộc tấn công của quân giặc. Quân Triệu Đà nhiều lần thua trận, phải rút về nước, trong lòng rất căm giận. Biết ta có Vua hiền, tôi giỏi, lại có nỏ thần lợi hại trong tay nên Triệu Đà sai con trai là Trọng Thủy sang giả cầu hôn với Mỵ Châu để tìm hiểu bí mật và đánh cắp nỏ thần rồi tìm cách li gián An Dương Vương với các tướng giỏi. Hiểu được âm mưu này của quân giặc, Cao Lỗ tướng quân đã nhiều lần can ngăn Vua không nên gả Mỵ Châu cho Trọng Thủy và nói rằng Triệu Đà không bao giờ từ bỏ mưu đồ xâm chiếm nước ta. An Dương Vương không nghe lại đối xử tệ bạc với ông nên sau đó ông đã xin từ quan, về quê sinh sống. Tuy vậy, do lo ngại trước việc an nguy của đất nước nên khi đã từ quan về quê rồi, Cao Lỗ tướng quân vẫn bí mật triệu tập quân sĩ ngày đêm luyện tập để phòng khi bất trắc.
Cổng đền hướng ra sông Đuống bao quanh là trời mây, sông nước. |
Khi đã nắm được bí mật của nỏ thần, Trọng Thủy xin về nước và ngay lập tức Triệu Đà xua quân xâm lược nước ta. Nghe tin thành Cổ Loa bị Triệu Đà tấn công, Cao Lỗ tướng quân đã tập hợp binh sĩ kéo đi ứng cứu nhưng vẫn không giữ được thành và đã hy sinh trong cuộc chiến đó.
Sau khi tướng quân Cao Lỗ mất, do đã có công với dân, với nước nên trải qua các đời vua, triều đại sau này đều có sắc phong ban tặng cho ông là Thượng đẳng Thần. Nhân dân quanh vùng tại quê hương ông cũng đã lập đền thờ để tưởng nhớ và ghi nhận công ơn của vị tướng quân trung nghĩa với nước, với dân. Cùng với gia phả, hiện tại đền thờ Cao Lỗ Vương vẫn còn bảo lưu được 20 đạo sắc phong do các triều Vua ban tặng. Sắc phong cổ nhất còn lưu lại có niên đại Cảnh Hương 4 (1796), sắc phong cận đại nhất có niên đại Khải Định 9 (1924).
Dấu ấn kiến trúc thời Lê - Nguyễn
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng đền thờ tướng quân Cao Lỗ Vương vẫn giữ được dấu ấn kiến trúc điêu khắc của hai thời Lê - Nguyễn. Hiện đền có quy mô khá lớn, với kết cấu kiến trúc kiểu "tiền Công, hậu Quốc". Trong đền có những bộ khung gỗ với những nét chạm khắc hoa văn tinh xảo và mái ngói ẩn hiện dưới những hàng cây cổ thụ thâm nghiêm hướng ra sông Đuống, bao quanh là trời mây, sông nước càng khiến cho cảnh quan nơi đây trở nên yên bình và thơ mộng.
Những mái ngói ẩn hiện sau những hàng cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi càng làm cho ngôi đền thâm nghiêm, cổ kính. |
Hàng năm, theo tục truyền để ghi công ơn và tưởng nhớ tướng quân Cao Lỗ, cứ đến ngày mồng 10/3 (Âm lịch), nhân dân ở 8 thôn, làng vùng Đại Than là: Đại Trung, Đông Trung, Bình Than, Tiểu Than, Văn Than, Phù Than, Kênh Phố và Mỹ Lộc cùng thờ Cao Lỗ Vương lại nô nức chuẩn bị tổ chức lễ hội. Ngay từ sáng mùng 9, đền thờ Cao Lỗ Vương đã được mở cửa để đại diện các làng đến làm lễ Mộc dục (lau chùi ngai thờ thay áo miều mới cho thánh vị). Đến sáng mồng 10, các làng đồng loạt tổ chức rước kiệu, long đình từ làng mình đến đền tế lễ Cao Lỗ Vương rồi xin rước bài vị của ngài về làng mình để tế lễ, mở hội. Đám rước kiệu thánh của tám làng rợp trời với cờ quạt, võng lọng, kiệu, siêu đao, bát bửu,... tưng bừng, náo nhiệt cùng đông đảo người dân tham dự.
Do đã có công với dân, với nước nên vào các đời vua sau này, tướng quân Cao Lỗ đều được ban tặng sắc phong . |
Trong những ngày lễ hội của các làng thờ Cao Lỗ Vương, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò diễn lại tích Thánh như: Thôn Đại Trung có trò "Múa mo múa mộc" tượng trưng cho Cao Lỗ Vương khi đánh giặc. Thôn Tiểu Than thì có trò "Múa bông đánh bệt" diễn lại tích Cao Lỗ Vương mất khi đánh giặc đã được mãnh hổ mang xác về quê hương để nhân dân biết mà chôn cất, thờ phụng. Riêng tục "võ vật" thì thông nào cũng có, bởi xưa kia vùng Đại Than nổi tiếng là vùng đất có tinh thần thượng võ.
Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử, kiến trúc như vậy nên đền thờ Cao Lỗ Vương đã được UBND tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc cũ) xếp hạng từ năm 1988, đến năm 2005 được Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đền thờ Cao Lỗ Vương và lễ hội "Vùng Than" ngày 10/3 (Âm lịch) hàng năm là nơi nhân dân mãi mãi ghi công, tưởng nhớ tướng quân Cao Lỗ - Nhà kiến trúc và chỉ huy quân sự tài năng, người khởi đầu vẻ vang cho lịch sử quân giới Việt Nam. Đồng thời đây là sự thể hiện lòng biết ơn đối với những người có công với dân với nước như tướng quân Cao Lỗ và là dịp tốt để tuyên truyền giáo dục truyền thống "Dựng nước và giữ nước" của dân tộc ta đối với các thế hệ.
Bài và ảnh:Hồng Trần