Hình ảnh ngôi làng Việt nhuốm màu thời gian những năm 1970, 1980 của thế kỷ trước hiển hiện, với những gian nhà lợp mái tranh, mỗi khi trời mưa, từng giọt, từng giọt tí tách bên hiên. Những chiếc cổng bằng tre xanh được trổ lũy, rợp bóng mát rượi; những bức tường gạch mộc in dấu tháng năm...
Trong hơn 100 trang sách, nhà văn Băng Sơn đã khéo léo sử dụng nghệ thuật tượng thanh, tượng hình, cách mô tả chân thực từng cánh hoa, cọng lá… những hình ảnh “rất đỗi quê hương”, như cánh cổng làng ẩn hiện sau lũy tre, ngôi đình làng “bảy gian hai chái” được “xây gạch vồ, lợp ngói mũi hài, bốn góc gọi là bốn đầu đao cong vút lên, có cái đuổi con chim phượng uốn cong”, cái nùn rơm bố cầm theo ra đồng, ổ rơm tắm đủ nắng hè, sưởi ấm cho người bé vào ngày đông lạnh giá… Cách nhà văn mô tả rõ nét từng chi tiết giúp người lớn tuổi hoài niệm về một thời chân đất, nền nhà bằng đất nện, còn người thế hệ trẻ thì tò mò về những vật dụng đơn sơ như cái cối giã gạo, cái nùn rơm, ổ rơm...
“Ngàn mùa hoa” không chỉ gợi cho các bậc phụ huynh nhớ lại một thời tuổi thơ đầy trong sáng, hồn nhiên của mình, mà còn góp phần giúp các bạn nhỏ, đặc biệt là học sinh tiểu học đọc và hiểu hơn vẻ đẹp thiên nhiên đất nước, nét văn hóa truyền thống của quê hương, từ đó giúp các em tích lũy thêm tri thức, mở rộng vốn từ, biết cách sử dụng các từ tượng thanh, tượng hình, từ láy, các biện pháp nhân hóa, so sánh... hài hòa trong làm bài văn để mỗi giờ văn là một giờ vui.