Về làng họa sĩ Cổ Đô

Ban quản lý phố cổ Hà Nội đang giới thiệu tranh của họa sĩ Sỹ Tốt và gia đình đến từ xã Cổ Đô (Ba Vì) tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Điều hấp dẫn du khách đến đây chính là một làng quê ngoài làm nông, họ lại say mê vẽ. Bên cạnh những họa sĩ thành danh và được đào tạo bài bản, những họa sỹ nông dân với những nét vẽ trực họa về cuộc sống làng quê đang tạo ra những sức hút mới mẻ.


Những nghệ sĩ làng Cổ Đô đang trổ tài vẽ tranh trực họa tại triển lãm khu phố cổ Hà Nội.


Vốn là một làng lụa cổ nổi tiếng nhưng qua thời gian, nghề đó đã bị mai một ở xã Cổ Đô, Ba Vì (Hà Nội). Gần đây, Cổ Đô lại được nhiều người biết đến với tiếng thơm là một làng họa sĩ, vì hầu hết cả làng đều biết vẽ và đã có hàng trăm họa sĩ xuất thân từ làng.


Cuốn hút bởi nét vẽ tại triển lãm tranh của những họa sỹ đến từ làng Cổ Đô, một ngày đầu đông, chúng tôi men dọc theo ven đê sông Hồng tìm về làng Cổ Đô. Hình ảnh ngôi làng thơ mộng dần hiện ra trước mắt, một vài chú bò đang thong dong gặm cỏ dưới triền đê, ráng chiều rực rỡ chiếu trên lũy tre la đà mặt sông. Dưới bến, trên những con thuyền của dân vạn chài, khói bếp đang bắt đầu tô điểm thêm chiều quê thanh bình nơi đây.


Ở Cổ Đô, từ người già đến em bé ai cũng biết đến câu chuyện về ông tổ nghề của làng là họa sĩ Sỹ Tốt. Ông không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được nhiều bạn bè thế giới biết đến với nhiều bức tranh đã đoạt giải và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người yêu tranh.


Sau khi tìm hiểu qua các họa sỹ trong làng Cổ Đô và gia đình, Sỹ Tốt sinh ra năm 1920, khi đó cả làng chưa có ai mê vẽ hay học vẽ cả. Nhưng từ thuở nhỏ, ông đã thích vẽ nên hay lê la trong làng dùng bút chì, có khi chỉ là cục than vẽ lại hình ảnh ngôi đình, cổng chùa, cánh đồng quê mình… Rồi ông đi bộ đội và có may mắn tiếp tục phát triển năng khiếu hội họa của mình khi được cử đi học tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và được chính danh họa Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy.


Rồi ông trở về quê, dùng cây cọ của mình ghi lại hình ảnh làng quê và chân dung những người nông dân lam lũ vất vả nhưng nhân hậu của làng. Lúc đó, người trong làng thấy ông vẽ thì xúm lại xem và bắt đầu say mê. Thấy nhiều người quan tâm đến hội họa, Sỹ Tốt đã hết lòng truyền dạy miễn phí. Và từ đây, cái máu họa sĩ đã bắt đầu hình thành và chảy trong huyết quản từng người Cổ Đô.


Nói đến giới họa sĩ Cổ Đô, ai cũng nhắc tới họa sĩ lão thành Sỹ Tốt với những bức tranh nổi tiếng: Tiếng đàn bầu, Bế con... đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia. Nhiều bức tranh của họa sĩ hiện đang được lưu giữ tại các viện bảo tàng lớn ở Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ba Lan... Với gần 1.000 bức tranh (trong đó có 100 bức vẽ hoa) được vẽ trong suốt cuộc đời nghệ sĩ của mình, tên tuổi và vị trí của họa sĩ Sỹ Tốt mãi mãi được ghi nhận trong lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam.


Điều đáng nói là, từ ông và do ông dìu dắt mà lớp lớp họa sĩ trẻ của làng ra đời, trưởng thành và được khẳng định trong giới. Đó là các họa sĩ Sĩ Tuấn, Sĩ Thiết, Ngô Bình Thiểm, Sao Mai, Giang Khích, Nguyễn Thạch, Trần Hòa và nhiều người khác nữa. Nhận thấy việc phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo những mầm non nghệ thuật phải kịp thời và cần thiết, nên trong cuộc đời họa sĩ của mình, nhất là kể từ khi về hưu tại quê nhà, họa sĩ Sỹ Tốt thường xuyên tổ chức các lớp dạy vẽ tại nhà với ý thức trách nhiệm và lòng yêu thương sâu sắc nhất.


Phòng tranh tại làng họa sĩ Cổ Đô.


Hiện nay, Cổ Đô có khoảng hơn 100 họa sĩ, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng được giới hội họa đánh giá cao như Trần Hòa, La Vuông, Giang Khích, Sao Mai… Làng có khoảng hơn 32 họa sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật Hà Nội. Trong làng, mỗi họa sĩ đều có một phòng tranh riêng nho nhỏ tại nhà và nhiều người có phòng tranh ở Hà Nội hoặc có tranh bán tại các gallery ở đây.


Nhưng điều đặc biệt khiến chúng tôi thích thú và xúc động là hình ảnh những người nông dân sáng vác cày ra đồng, chiều về lại cầm bút vẽ những cảnh sinh hoạt thân thuộc quanh mình. Có lẽ vì thế mà khách trong và ngoài nước rất thích những bức tranh có thể còn ngô nghê về bố cục, chưa chuẩn về màu sắc, thấm đượm cái hồn chân chất của người quê. Những bức tranh được bán đi không phải có giá thật cao nhưng cũng khiến người nông dân Cổ Đô có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống. Và vẽ không chỉ trở thành sân chơi nghệ thuật của làng mà đã trở thành nghề để người Cổ Đô mưu sinh.


Anh Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Vietvision Travel cho biết: Tôi rất ấn tượng với những bức tranh vẽ trực họa của những họa sỹ trẻ nơi đây. Nó thể hiện cái nhìn tinh tế của những người nông dân về phong cảnh làng quê Việt Nam. Qua xem các tác phẩm tại làng Cổ Đô toát lên được ý tưởng, tình cảm của tác giả trong tác phẩm. Vẽ trực họa có ưu điểm là tất cả các cảm xúc về cái đẹp được thể hiện trong tranh ngay khi họa sỹ cảm nhận trực tiếp cái đẹp từ thiên nhiên hay con người. Trước khi có máy ảnh, vẽ trực họa tương đối phổ biến của các họa sỹ. Từ khi máy ảnh và các công nghệ số phát triển thì việc vẽ trực họa đã giảm đi rất nhiều bởi tính cầu kỳ cũng như sự chuẩn bị kỳ công cho những chuyến đi sáng tác. Sau chuyến đi khảo sát này, công ty chúng tôi sẽ quảng bá và giới thiệu tour đến làng họa sỹ này để du khách hiểu hơn về nông thôn Việt Nam cũng như đời sống tinh thần của người nông dân Việt Nam.



Bài và ảnh:Thu Hà - Thu Thủy

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN