Họa sĩ Tuman Zhumabaev sinh ngày 10/3/1962 tại làng Kyzyl-Tuu, nằm gần Hồ Sary-Chelek của Kyrgyzstan. Năm 1980, ông đến Leningrad để học mỹ thuật. Một năm sau, ông tiếp tục học Khoa Phục chế Trường Nghệ thuật mang tên Serov. Sau đó, ông theo học tại Viện Hội họa, Điêu khắc và Kiến trúc St.Petersburg mang tên Repin, trực thuộc Viện hàn lâm Nghệ thuật Nga, và là học trò của Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô, Viện sĩ Yuri Neprintsev.
Họa sĩ Tuman Zhumabaev đã cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật. Kỹ thuật vẽ tranh đặc sắc của ông đã hơn một lần được so sánh với họa sĩ Hà Lan Rembradt Harmenszoon, một trong những họa sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử hội họa châu Âu nói chung và Hà Lan nói riêng.
Trong cuộc đời của mình, ông đã tổ chức hàng chục cuộc triển lãm tranh cá nhân và tập thể trên khắp thế giới. Ngoài Nga, tranh của ông còn được trưng bày tại các viện bảo tàng một số thủ đô trên thế giới như Việt Nam, Mỹ, Ba Lan, Hungary, Áo, Iran, Pháp, Trung Quốc….
Họa sĩ Tuman Zhumabaev là một nghệ sĩ nhân dân thực sự. Ông yêu con người, đất nước và tất cả các tác phẩm của ông đều thấm đẫm tình yêu này. Ông cũng được đánh giá đặc biệt cao trong thúc đẩy mối quan hệ hợp tác văn hóa giữa thành phố St.Petersburg nói riêng và nước Nga nói chung với các nước khác.
Họa sĩ Tuman Zhumabaev đã vẽ nhiều tranh về Bác Hồ, trong đó bức "Nguyễn Ái Quốc đến St. Petersburg năm 1923" đã được chính quyền thành phố St. Petersburg tặng Thành phố Hồ Chí Minh và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - St. Petersburg diễn ra chiều 19/5 nhân dịp kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác, họa sĩ Tuman Zhumabaev cũng đã giới thiệu một bức tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiện nay, tại Hà Nội có một phòng trưng bày tranh của họa sĩ Tuman Zhumabaev mang tên Lilac gallery của đôi vợ chồng từng là du học sinh ở Nga cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, đồng thời là bạn của ông thuở sinh viên nghèo khó.