Cách đây 20 năm, vịnh Hạ Long chính thức trở thành Di sản thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Sự vinh danh này đã tạo cho Quảng Ninh vị thế và sức bật mới để vươn lên, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. 20 năm qua, Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực và những giải pháp tích cực để quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản vịnh Hạ Long.
Kể từ khi vịnh Hạ Long lần đầu tiên được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (17/12/1994), tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nghiên cứu, bảo tồn các giá trị của vịnh Hạ Long, đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn di sản, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục di sản, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, giữ gìn di sản, tình hình an ninh trật tự trên vịnh được chú trọng triển khai… Trong đó, quan trọng nhất là Quảng Ninh đã xây dựng cho vịnh Hạ Long một nền tảng cơ chế chính sách, chiến lược quản lý căn bản, đó là Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2002, Quy chế quản lý vịnh Hạ Long cùng hàng loạt các nghị quyết về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long…
Khách du lịch quốc tế từ tàu SuperStar Virgo xuống cầu tàu du lịch tại TP Hạ Long. Ảnh: Hải Nam |
Đặc biệt, vịnh Hạ Long là một di sản đặc thù và vô cùng nhạy cảm. Chính vì vậy, môi trường sinh thái và cảnh quan có nguy cơ bị tác động bởi sự phát triển của các công trình xây dựng đô thị và các ngành công nghiệp ven bờ vịnh Hạ Long, sự gia tăng dân cư, nhà bè, các phương tiện vận chuyển khách du lịch, tàu vận tải, tàu nghỉ đêm trên vịnh… những vấn đề này đã khiến cho Ủy ban Di sản thế giới quan ngại và yêu cầu Hạ Long có những giải trình về công tác bảo tồn vịnh Hạ Long.
Trước và sau khi có khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới, Quảng Ninh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương có liên quan của tỉnh thực hiện nhiều giải pháp quản lý, bảo tồn Di sản trên cơ sở tuân thủ nghiêm Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới 1972 và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Tỉnh đã triển khai Đề án di dời làng chài trên vịnh Hạ Long, ban hành Nghị quyết về hạn chế tối đa phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức lấn biển; chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời trên vịnh; xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đầu tư thêm 3 trạm xử lý nước thải; kiểm soát môi trường trên vịnh; rà soát, điều chỉnh, ban hành các văn bản về quản lý hoạt động tàu du lịch, khách du lịch; mở rộng thêm tuyến điểm du lịch khu vực Bái Tử Long nhằm giảm tải trong vùng lõi; quy hoạch các khu bảo tồn, các vùng cấm khai thác thủy sản; phân vùng, phân tuyến khai thác thủy sản trên Vịnh Hạ Long… những nỗ lực, giải pháp này đã được chuyên gia thế giới đánh giá cao, và kết quả là trong kỳ họp lần thứ (tháng 6/2014) vừa qua, vịnh Hạ Long đã không còn phải tiếp tục giải trình khuyến nghị với UNESCO nữa.
Không chỉ chú trọng công tác quản lý, bảo tồn di sản, tỉnh Quảng Ninh còn đặc biệt quan tâm đến việc khai thác, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long. 20 năm qua, các dịch vụ du lịch đặc trưng trên vịnh Hạ Long đã được hình thành và phát triển, tạo thành những sản phẩm hấp dẫn riêng của vịnh Hạ Long, được nhiều khách du lịch lựa chọn, đặc biệt là khách nước ngoài. Từ năm 1996 đến nay, vịnh Hạ Long đã đón trên 28,6 triệu lượt khách, trong đó trên 14,5 triệu lượt khách Việt Nam và 14,1 triệu lượt khách nước ngoài, doanh thu từ phí tham quan hơn 1.250 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác nghiên cứu, bảo tồn, bảo đảm môi trường sinh thái, đẩy mạnh hoạt động quảng bá vịnh Hạ Long ra nước ngoài; tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với di sản, xây dựng các văn bản, quy định đủ mạnh để xây dựng Hạ Long trở thành thương hiệu du lịch Việt Nam, điểm đến hàng đầu trong khu vực và quốc tế. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển du lịch với bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, định hướng từng bước xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển du lịch gắn liền và dựa trên hoạt động bảo tồn di sản.
Nguyễn Việt Sơn