Hội thi thu hút 10 đội thi với 50 nghệ nhân, đầu bếp làm bánh chuyên nghiệp đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia như: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Mỗi đội tham gia dự thi 10 món ăn là bánh dân gian có sử dụng nguyên liệu từ thốt nốt.
Với mục tiêu bảo tồn giá trị văn hóa ẩm thực dân gian Nam Bộ được chế biến từ thốt nốt, tại hội thi các nghệ nhân, đầu bếp sử dụng các nguyên liệu vùng đất bảy núi An Giang như: lá thốt nốt, vỏ trái thốt nốt, nước thốt nốt, cơm thốt nốt… để chế biến ra 100 món bánh dân gian mang đậm bản sắc ẩm thực địa phương như: bánh bò nướng, bánh tằm khoai mì, bánh da lợn, đến những chiếc bánh cầu kỳ như: bánh đúc hoàng kim, bánh ướt tứ vị, bánh quý phi, bánh gan…
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao giải Nhất cho đội Bà Rịa - Vũng Tàu. Giải Nhì được trao cho hai đội huyện Tri Tôn, An Giang và Đồng Nai. Ba giải Ba thuộc về các đội đến từ Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Tại Lễ trao giải, Ban Tổ chức kỷ lục Việt Nam cũng công bố quyết định và trao Bằng xác lập kỷ lục Việt Nam "Sự kiện chế biến và công diễn các món bánh dân gian được chế biến từ đặc sản thốt nốt An Giang với số lượng nhiều nhất với 100 món” cho Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang cho biết: Hội thi bánh dân gian xác lập kỷ lục "100 món bánh dân gian chế biến từ thốt nốt" là sự kiện không chỉ mang ý nghĩa văn hóa, còn góp phần quảng bá, bảo tồn những giá trị truyền thống đặc sắc của vùng Bảy núi An Giang.
Theo ông Lê Trung Hiếu: Cây thốt nốt đã gắn liền với đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở An Giang. Nhờ những sản phẩm chế biến từ cây thốt nốt, đặc biệt là đường thốt nốt đã giúp người dân Khmer, An Giang có thêm thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Việc xác lập kỷ lục "100 món bánh dân gian chế biến từ thốt nốt" là một cột mốc quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và nâng cao đời sống người dân Khmer ở An Giang.
Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ - An Giang năm 2024 kết hợp xúc tiến du lịch, thương mại - sản phẩm OCOP thu hút 21 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia trưng bày 400 gian hàng bánh dân gian, triển lãm du lịch, sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng, ẩm thực vùng miền...
Với chủ đề "Hương sắc An Giang", ngày hội giới thiệu, quảng bá trên 300 món bánh dân gian Nam Bộ, các sản phẩm đặc trưng của vùng đất An Giang, đặc biệt là đường thốt nốt, mật hoa thốt nốt là nguyên liệu chính của ngày hội bánh dân gian Nam Bộ năm nay.
Ngày hội góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa ẩm thực truyền thống từ cây thốt nốt, tạo điều kiện cho các làng nghề, nghệ nhân làm bánh dân gian có cơ hội quảng bá sản phẩm đến các du khách, doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu bánh dân gian Nam Bộ trở thành thương hiệu quốc gia.
Hội chợ xúc tiến du lịch, thương mại và sản phẩm OCOP là điểm nhấn quan trọng của ngày hội tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, kết nối kinh doanh và mở rộng thị trường. Ngày hội diễn ra từ ngày 3/8 đến hết ngày 11/8, tại phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.