Hà Nội hướng đến là thành phố nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp phát triển văn hóa hàng đầu, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và hình thành một số công trình văn hóa mới mang tính biểu tượng, có tầm cỡ khu vực và thế giới.
Sản phẩm văn hóa mang thương hiệu Hà Nội
Tên tuổi của Nhạc sĩ Quốc Trung gắn liền với nhiều chương trình âm nhạc lớn, trong đó phải kể tới Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió Mùa được tổ chức tại Hà Nội. Là người tâm huyết với nghệ thuật, Nhạc sĩ Quốc Trung luôn trăn trở việc xây dựng một thương hiệu văn hóa, thương hiệu âm nhạc mang tầm quốc tế cho Hà Nội. Trong suốt những năm hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ may mắn tham dự khá nhiều Festival âm nhạc ở nhiều thành phố và quốc gia khác nhau. Tại thị trấn nhỏ Rosilde - Đan Mạch với dân số khoảng vài chục nghìn dân nhưng đã tổ chức nên một trong những lễ hội âm nhạc lớn nhất thế giới, quy tụ khán giả của cả vùng Scandinavia cũng như châu Âu với hơn 150 ngàn người tham dự, cùng 7 sân khấu và 170 ban nhạc diễn ra trong một tuần lễ. Thành phố nhỏ xa xôi như Talin Estonia, Tel Aviv Israel, Montreux, Thuỵ Sĩ đều có những Festival âm nhạc danh tiếng mà đóng góp của nó không chỉ trong phạm vi quốc gia.
Nhạc sĩ Quốc Trung đặt câu hỏi “Tại sao Hà Nội lại không có một lễ hội tương tự?”. Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió Mùa dần hình thành nên một thương hiệu âm nhạc cho Hà Nội, xây dựng thói quen mới, trải nghiệm thưởng thức âm nhạc mới, thoải mái, gần gũi và cởi mở. Theo nhạc sĩ, xây dựng những sự kiện văn hóa, âm nhạc mang thương hiệu Hà Nội và có tầm cỡ quốc tế, trước hết phải có quy mô đủ lớn, có sự tham gia của nhiều người dân, diễn ra trong nhiều ngày, có nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước. Sự kiện phải có dấu ấn đặc biệt, độc đáo và duy nhất, cụ thể là địa điểm độc đáo, mang được cái hồn và không khí cũng như vẻ đẹp của Hà Nội. Một lễ hội âm nhạc quy mô lớn được tổ chức thường xuyên, ổn định nhiều năm mới xây dựng được uy tín trên trường quốc tế. Sự kiện phải mang đến sự tự hào cho người dân thành phố, trở thành nơi các nghệ sĩ mong muốn được tham gia, phải giới thiệu đến khán giả những gương mặt độc đáo; tất cả phải đảm bảo một cách vững chắc mới tạo nên một thương hiệu cho Hà Nội.
Cũng là người hết mình cống hiến cho nghệ thuật Thủ đô, Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu cho rằng, để phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn Hà Nội góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa Thủ đô, trước hết cần có sự chuyên nghiệp hóa từ cơ sở hạ tầng đến nhân sự. Bởi những ý tưởng sáng tạo sẽ gặp không ít trở ngại nếu không có trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, sân khấu hiện đại, đáp ứng nhu cầu của ê-kip sáng tạo. Sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học công nghệ tiên tiến sẽ đem lại cho khán giả những trải nghiệm ấn tượng khó quên, kéo họ đến với sân khấu, nghệ thuật. Những tác phẩm điện ảnh, sân khấu của các nước trên thế giới đã khiến vô vàn khán giả trầm trồ kinh ngạc về chất lượng nghệ thuật, thẩm mỹ, sự tân tiến của các kỹ xảo, kỹ thuật công nghệ được ứng dụng trong tác phẩm. Yếu tố con người cũng được coi là vấn đề quan trọng; bởi xuất phát từ sự sáng tạo của con người, những giá trị nghệ thuật của tác phẩm được hiện thực hóa, thăng hoa và đến được với khán giả. Bên cạnh đó, địa phương cần có cơ chế phù hợp cho các đơn vị nghệ thuật và xác định đúng đối tượng khán giả hướng đến để đầu tư những tác phẩm phù hợp.
Hình thành các không gian văn hóa
Xác định văn hóa trở thành “nguồn lực mềm” quan trọng trong xu thế hiện nay, thành phố Hà Nội tập trung phát triển một số ngành sẵn có về lợi thế, tiềm năng như: Du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, thiết kế, ẩm thực… Đồng thời, việc tạo dựng các không gian văn hóa, phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân, tạo môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo cũng được thành phố quan tâm. Nhiều không gian văn hóa hình thành và đi vào hoạt động thời gian qua đã định vị được chỗ đứng trong công chúng; trong đó, quận Hoàn Kiếm là địa bàn tổ chức được nhiều không gian văn hóa, là điểm đến của đông đảo người dân và du khách.
Quận Hoàn Kiếm đã linh hoạt, sáng tạo trong công tác tổ chức tạo điểm tĩnh kết hợp với không gian công cộng, cùng sự cởi mở về các hoạt động cộng đồng lồng ghép hài hòa với các không gian đi bộ, không gian đọc trên địa bàn với quy mô lớn như: Không gian đi bộ trong khu bảo tồn cấp I khu Phố cổ Hà Nội, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian văn hóa đọc Phố sách Hà Nội, Phố bích họa Phùng Hưng. Việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận kết nối với không gian đi bộ trong khu Phố cổ tạo điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội; là nơi giao lưu, điểm đến của người dân và du khách; phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh hồ Hoàn Kiếm. Theo lãnh đạo quận, các không gian đi bộ đã gia tăng cơ hội phát triển thương mại và du lịch; kinh tế dân sinh tăng, tăng thu ngân sách. Nhờ đó, quận có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.
Đầu năm 2022, người dân làng gốm cổ Bát Tràng phấn khởi khi công trình mang tên Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt ra đời giới thiệu truyền thống làng gốm cũng như nghề thủ công mỹ nghệ cả nước. Ngay khi đưa vào hoạt động, Trung tâm đã tạo hiệu ứng tốt, lan tỏa đến đông đảo người dân Thủ đô và du khách. Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt có kiến trúc độc đáo, tựa các bàn xoay đang vuốt gốm, các sóng lượn của sông Hồng và được đi trên nền quảng trường lát bằng gạch Bát Tràng phục cổ. Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp Hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho biết: Nơi đây có một bảo tàng nghề gốm Bát Tràng kể lại câu chuyện gần 1.000 năm tuổi của tổ tiên làng gốm, 23 dòng họ đã rời cố hương Bồ Bát, huyện Yên Mô, Ninh Bình trên những con thuyền mong manh, theo vua Lý Công Uẩn ngược sóng Hồng Hà về đây dựng lên làng Bát Tràng trù phú như ngày nay. Đây còn là địa điểm để trải nghiệm nghề, sáng tác gốm nghệ thuật của các nghệ sĩ điêu khắc, khu xúc tiến thương mại cho các làng nghề, giới thiệu nghệ thuật đương đại và đấu giá các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc…
Thành phố Hà Nội đang khuyến khích phát triển nhiều hơn các không gian văn hóa; bởi không chỉ tạo ra địa điểm phục vụ đời sống tinh thần người dân mà nó là môi trường phát triển các sản phẩm văn hóa độc đáo, sáng tạo. Hà Nội sẽ xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích phát triển bền vững các không gian sáng tạo trở thành “hệ sinh thái sáng tạo”; khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, kinh tế ban đêm, kinh tế đô thị… nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo phát triển.