Đó là thực tế của đông đảo các thành viên trên các group về nấu ăn hiện nay. Thay vì lên mạng cùng nhau học các món ngon phục vụ chồng con, thì giờ đây với niềm đam mê được khen, được nấu để khoe hình, được nhận lời trầm trò (thật giả đâu chưa rõ), các thành viên trong group đặt việc “ăn” của gia đình ở vị trí thứ hai.Với đặc thù công việc của mình, nên ngày nào chị Lan Phương cũng đi làm về vào tầm 19 giờ, khi chồng con đã an vị tại nhà với những cái bụng đều đã réo sôi chờ cơm chiều. Nhưng không giống như trước đây là làm những món nhanh gọn, đơn giản và nấu ăn xong thì dọn ngay ra mâm phục vụ chồng con, thậm chí nấu tạm một món xào để chồng có thể ngồi nhâm nhi chờ hoàn tất cả mâm cơm; thì giờ đây việc chế biến và hoàn tất của chị Lan Phương phải kéo dài cả tiếng.
Vì những điều “chưa văn hóa” trên cộng đồng group mà nhiều thành viên trước khi up công thức đều phải có khuyến cáo về “lời lẽ lịch sự”. |
Không được ăn trước, không được ăn khi cả mâm cơm chưa hoàn tất, không được ăn khi mẹ chưa trang trí xong món ăn và chụp ảnh các món ăn - chồng con chị Lan Phương đều phải tuân theo “luật” này. Mà món ăn giờ đây cũng không còn đơn giản nữa, món nào cũng phải cầu kỳ, rồi phải tỉa hoa, sắp lá trang trí. “Xong hết các công đoạn thì cũng là lúc bố con tôi đói nhũn cả người, mà món ăn cũng hết cả nóng sốt rồi, nhưng chả dám ho he gì vì thấy cô ấy đam mê quá, tối nào cũng ôm máy up ảnh xong mới ngồi vào mâm cơm ăn”, chồng chị Lan Phương chia sẻ.
“Hội chứng” up ảnh món ăn trên các group nấu ăn giờ ngày càng phổ biến. Đơn cử như một group “Khỏi vắt óc…” mỗi ngày phải có hàng trăm “mẹ” up ảnh bữa cơm gia đình, các món ăn mình nấu. Trừ một số “mẹ” mới vào group còn “a bờ cờ” trong việc chụp, up ảnh, nên những bức ảnh nhiều khi mờ, xấu; còn thì các bức ảnh đều rất lung linh, có những mẹ chắc phải bỏ cả tiếng đồng hồ để tỉa củ, thiết kế đĩa thức ăn của mình, đẹp đến mức đầu bếp khách sạn năm sao nhìn thấy có khi cũng phải “khóc”.
Tất nhiên, kèm với đó là những lời khen, những nút “like” liên tục được đưa lên, khiến các “mẹ” mát mặt và càng hào hứng hơn với công đoạn up ảnh của mình. “Giờ đây việc up ảnh bữa ăn gia đình đã thành một phần không thể thiếu trong ngày của tôi, không up, không lên group lại thấy thiêu thiếu. Nhiều khi nấu ăn cũng mệt, nhưng khi up ảnh, được đọc những comment của các thành viên khác thì lại thấy vui mà quên hết”, một thành viên group nọ chia sẻ.
Thật ra, việc tham gia group nấu ăn ban đầu hoàn toàn là tích cực và đều vì mục đích “nữ công gia chánh”; nhằm giúp các thành viên có thể học cách nấu ăn của nhau, chia sẻ với nhau những món ăn ngon, lạ, độc đáo, những bí quyết để làm món ăn hấp dẫn hơn… nhờ đó đảm bảo cho bữa cơm gia đình nhà mình. Thế nhưng, từ mục đích tích cực này, nhiều “biến tướng” đã xảy ra, dẫn tới những chuyện thiếu văn hóa cộng đồng mạng. Như trên group “Khỏi vắt óc…”, một group uy tín bậc nhất hiện nay, mà trẻ, già, gái, trai đều thích tham gia vì có thể học được các món ăn, các công thức mới, có thể động viên nhau cùng ngâm chanh đào tháng 9, giấm bụp tháng 10, cùng làm chung món dồi lòng non thơm phưng phức chỉ cần up ảnh lên là thấy mê ly chan chứa. Những tưởng, ở nơi chỉ có ăn và vui, chỉ có khen và hào hứng; nhưng cũng ối chuyện dở khóc, dở cười.
Số là không phải ai cũng có thể chụp ảnh đẹp cho món ăn của mình, trong khi ai cũng thích được khen, được like, càng nhiều like càng mê mẩn; thế là thay vì chụp ảnh món ăn, nhiều thành viên… “vô tư” lấy luôn ảnh của thành viên khác để minh họa (nhưng quên ghi rõ nguồn). Thế là những cuộc chiến bản quyền nổ ra, đôi khi, những chủ sở hữu cũng không quyết liệt bằng những thành viên khác trong group. Mà các mẹ đã lên tiếng, đã quyết liệt, đã ngoa ngoắt thì biết rồi đấy, cái diễn đàn vốn nết na hiền hòa với các món ăn, cứ vào là mê, bỗng chốc biến thành “chợ cá”, không đến nỗi “chửi bậy” nhưng nói ngoa, xỉ vả thì cũng… thôi rồi.
Cuộc chiến thường kết thúc bằng việc một số thành viên này “block” của thành viên kia, hoặc bản thân các admin phải lên tiếng yêu cầu các thành viên giữ đúng nội quy diễn đàn. Rồi đôi khi, là việc 1 thành viên dẫn lại món ăn do thành viên khác đưa công thức, nhưng lại không nói rõ “nguồn”, có trường hợp thì cũng vì “quên” thật, nhưng cũng không ít trường hợp là vì muốn “nhận công”, muốn được tung hô là khéo tay, giỏi quá… Tất nhiên, kết thúc lại là một cuộc “vạch mặt” nhau và không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”.
Ngoài những cuộc chiến trên group, cũng còn những chuyện khác của các cá nhân khiến cái văn hóa group bỗng nhiên mất hẳn. Rõ ràng, dù là “món ăn mỗi ngày” nhưng không có nghĩa đưa lên những bức ảnh chụp mờ mịt, với những món ăn quá xuề xòa theo đúng tiêu chí nấu gì đưa nguyên thế lên đĩa; trong khi tình trạng này ngày càng nhiều hơn, khiến “chợ ảnh” của group giờ lổn nhổn và kém hẳn sự hấp dẫn. Dẫu gì cũng vẫn nên “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, chứ không nên quá hồn nhiên như vậy, nhất là khi trong một cộng đồng mạng.
Cùng với đó là những sự hồn nhiên khác, kiểu như một thành viên up món ăn mới thì cả chục, thậm chí cả trăm thành viên khác đua làm theo, rồi cũng đủ cả chục, cả trăm ấy up ảnh đúng món ăn đó lên; rồi lại dưới cả chục, cả trăm món ăn ấy, lại có cả chục, cả trăm người vào hỏi… xin công thức với những lời lẽ cũng không mấy lịch sự kiểu như “công thức”, thậm chí viết tắt “c.t” rất cộc lốc; làm loãng hết cả không khí của group, rồi lại gây bức xúc cho chính người up công thức. Ban đầu, thấy admin còn nhắc nhở, giờ khi số thành viên đã lên tới gần 70.000 người, thì cũng không còn thời gian cho admin đọc hết và “khuyến cáo” hết. Và thế là, cái tiêu chí đầy văn hóa ban đầu hấp dẫn của group cũng dần dần bị mai một đi.
Nhóm phóng viên Văn hóaBài cuối: Văn hóa mạng cũng phải học