Với mong muốn tiếp tục thu hút khán giả trong thời đại mới, các đoàn xiếc, diễn viên, nghệ sĩ xiếc đều đang nỗ lực đổi mới không ngừng nhằm mang đến cho người xem những màn trình diễn ngày càng đặc sắc, hấp dẫn.
Coi khán giả là trung tâmNghệ thuật Xiếc hiện đại đã xuất hiện trên thế giới vào nửa cuối thế kỷ 18. Đến thế kỷ thứ 19, những đoàn xiếc bắt đầu lớn mạnh, thu hút công chúng với nhiều tiết mục phong phú như tung hứng, nhào lộn trên không…
Tiết mục tung hứng do các học sinh Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam biểu diễn. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Nghệ thuật Xiếc Việt Nam xuất hiện muộn hơn, vào đầu thế kỷ 19, sau khi nhóm tạp kỹ Trung Quốc, gánh xiếc Nhật Bản, đoàn xiếc Bostock của Anh, đoàn xiếc Rodeo của Mexico, đoàn Carnavale de Manila của Philipines, đoàn Uytixay của Ấn Độ … đến Việt Nam, gây ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng đương thời về trò xiếc mới lạ, hấp dẫn và mạo hiểm.
Ảnh hưởng bởi trào lưu đó, tại Việt Nam bắt đầu hình thành nhiều gánh xiếc, trong đó có những gánh xiếc nổi tiếng như Xiếc Việt Nam của Tạ Duy Hiền, Xiếc Đại Việt của Mai Thanh Các…
Tháng 12/1922, gánh Xiếc Việt Nam của Tạ Duy Hiển đã công diễn tại chợ Hàng Da, mở đầu cho trào lưu xiếc bản địa có quy mô lớn, báo hiệu sự bắt đầu cho một thời kỳ mới của Xiếc Việt Nam – Xiếc Việt Nam hiện đại. Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Hiển được ghi nhận là người có công sáng lập ngành xiếc Việt Nam hiện đại.
Gần 100 năm qua, Xiếc Việt Nam hiện đại đã được công chúng đón nhận, yêu mến. Các đoàn xiếc, nghệ sĩ, diễn viên đã khẳng định tài năng, tên tuổi bằng các danh hiệu, giải thưởng qua các liên hoan xiếc quốc tế tại Việt Nam năm 1997, 2004, 2006, 2012 và các liên hoan xiếc tại Pháp, Ý, Monaco, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc…
Điều này khẳng định vị thế của Xiếc Việt Nam trên sân khấu xiếc thế giới, góp phần không nhỏ vào việc khẳng định vị trí của Xiếc Việt Nam trong hệ thống sân khấu nước nhà.
Ngày nay, thị hiếu của khán giả đã thay đổi. Công chúng mong chờ những màn biểu diễn vừa mang tính giải trí, vừa đảm bảo kỹ thuật và có tính nghệ thuật cao. Sân khấu xiếc giờ đã có thêm các điệu vũ ba lê, nhạc kịch hay các màn biểu diễn mạo hiểm.
Nhờ lấy khán giả làm trung tâm, không ít chương trình biểu diễn đã gặt hái được nhiều thành công. Trong đó có thể kể đến show diễn “Ionah” - một chương trình nghệ thuật giải trí tổng hợp kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như: Múa, kịch, xiếc mới, híp hop, nghệ thuật thị giác, âm nhạc, kỹ xảo, ánh sáng… và các công nghệ hiện đại khác tạo ra những màn biểu diễn đặc sắc, mới lạ trong không gian nhà hát.
Hầu hết các khán giả, người yêu mến show diễn này đều cho rằng “lonah” là cơ hội đầu tiên các diễn viên xiếc “chạm tay” đến một chương trình giải trí tổng hợp chuyên nghiệp. Đặc biệt là, các nghệ sĩ xiếc Việt Nam đã thể hiện sự vững vàng cùng đồng nghiệp đến từ Mông Cổ, Canada ... trên sân khấu lớn.
Một chương trình biểu diễn xiếc nghệ thuật, xiếc cảm giác mạnh khác ra mắt khán giả Thủ đô vào tháng 9/2017 và diễn ra ở một số tỉnh, thành trong nước với những màn trình diễn kịch tính, mạo hiểm, mang tính nghệ thuật cao cũng đã được công chúng nhiệt tình đón nhận.
Chương trình là sự hợp tác giữa Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Công ty Xiếc Happy Dream Circus (Nhật Bản) nhằm đem đến nhiều tiết mục mới lạ, thu hút đa dạng đối tượng khán giả đến với Nghệ thuật Xiếc.
Các em nhỏ được tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ xiếc. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Có một thực tế đang tồn tại ở Việt Nam là vẫn còn quan niệm Xiếc chỉ để phục vụ khán giả nhỏ tuổi dù trong nhiều năm qua, các chương trình xiếc Việt vẫn hòa trộn nhiều tiết mục, trong đó có cả xiếc người đòi hỏi kỹ thuật cao, điêu luyện và xiếc mạo hiểm, cảm giác mạnh… với xiếc thú để thu hút mọi đối tượng khán giả.
Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: Liên đoàn đã, đang có nhiều nỗ lực để đổi mới thu hút khán giả đến rạp, trong đó trú trọng việc lấy khán giả làm trung tâm cho mọi hoạt động từ tuyên truyền đến tổ chức biểu diễn.
Các chương trình biểu diễn xiếc của Liên đoàn được sắp xếp vào thời gian thuận tiện nhất cho khán giả như tối thứ Bảy, tối Chủ nhật. Khung giờ diễn sáng Chủ nhật thường có thời gian linh hoạt theo mùa. Đặc biệt, Liên đoàn áp dụng một mức giá đồng nhất đối với khán giả người Việt Nam và quốc tế; giảm giá vé cho tất cả các đối tượng vào ngày Chủ nhật.
Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết thêm: Các nghệ sĩ, diễn viên ở 3 đoàn xiếc của Liên đoàn cũng thường xuyên nỗ lực đưa thêm bản sắc văn hóa của Việt Nam vào một số tiết mục xiếc mới được dàn dựng. “Tôi nghĩ khán giả nước ngoài sẽ thích như thế. Ngoài xiếc ra họ cũng sẽ thấy sự khác biệt chứ không chỉ cảm nhận rằng tới Việt Nam để xem Xiếc Việt Nam” - Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Ánh hào hứng.
Nâng cao chất lượng các chương trình biểu diễnCùng với các nước trên thế giới, Việt Nam đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong thời kỳ này, ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, ảnh hưởng của công nghệ thông tin có tác động rất lớn tới sở thích và thị hiếu của khán giả. Là một trong những đơn vị nghệ thuật hàng đầu của đất nước, Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn nỗ lực không ngừng để dàn dựng nhiều chương trình Xiếc mang tính hội nhập, có chất lượng nghệ thuật cao phù hợp với yêu cầu của thời đại như: Phiên chợ Ba Tư, Làng tôi, Sơn tinh - Thủy tinh, Đám cưới chuột…
Tiết mục xiếc kỹ thuật cao “Sức mạnh đôi tay” do NSUT Quốc Cơ, NSUT Quốc Nghiệp biểu diễn. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Nhiều chương trình xiếc truyền thống, được liên tục thay đổi, biểu diễn tại Rạp xiếc Trung ương và các tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt, hiện nay Liên đoàn Xiếc Việt Nam và một số đoàn xiếc trong cả nước đã đầu tư dàn dựng nhiều chương trình khác nhau để đi lưu diễn tại nhiều nước trên thế giới và tham gia hầu hết các liên hoan xiếc quốc tế được tổ chức tại Monaco, Trung Quốc, Hungary, Pháp, Italy, Tây Ban Nha… và đã đạt được nhiều giải thưởng cao. Thông qua những hoạt động này, Nghệ thuật Xiếc cũng như văn hóa, con người Việt Nam được giới thiệu rộng rãi với công chúng thế giới.
Nhằm nâng cao chất lượng các chương trình phục vụ khán giả, bắt kịp xu thế thị trường, Liên đoàn Xiếc Việt Nam thống nhất đưa ra những chiến lược quảng cáo, tiếp thị với mục đích thu hút nhiều khán giả nhanh chóng và trực tiếp nhất. Ngay từ đầu mỗi năm, Liên đoàn đều đưa ra lịch biểu diễn, các chương trình cụ thể. Từ đó, khách hàng cũng như các đơn vị báo chí, truyền thông có thể dựa vào để tiếp cận, truyền tải tốt nhất thông tin đến công chúng.
Tiết mục "Cánh chim Việt” của đoàn Việt Nam đoạt giải Vàng tại liên hoan Xiếc quốc tế Cuba Circuba 2017. Ảnh: Vũ Lê Hà-P/v TTXVN tại Cuba |
Đặc biệt, trung tuần tháng 4/2018, lần đầu tiên Liên đoàn tổ chức hội nghị khách hàng nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp, phản hồi của khán giả, khách hàng về chất lượng chương trình; nhu cầu, xu hướng mới để nhanh chóng tiếp cận khán giả, thay đổi hình thức phục vụ tốt hơn. Thông tin từ Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho hay, hoạt động này sẽ liên tục được triển khai, mỗi năm 2 lần, bắt đầu từ năm 2018.
Nghệ sĩ Ưu tú Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: Bên cạnh việc nâng cao chất lượng các chương trình biểu diễn, Liên đoàn cũng trú trọng tới việc đa dạng các chương trình để đáp ứng nhu cầu khán giả thời đại công nghiệp 4.0.
Ngay từ đầu năm 2018, Liên đoàn xây dựng, giới thiệu nhiều chương trình như: Chương trình “Chào Xuân 2018” với ngày hội xiếc thú cùng các chú hề; “Gala xiếc ba miền” chào mừng ngày 30/4 – 1/5; “Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên” dịp Tết thiếu nhi 1/6. Một số chương trình được Nhà nước đặt hàng, được dàn dựng kĩ lưỡng, công phu sẽ ra mắt khán giả, thiếu nhi trong dịp 2/9 và dịp Tết Trung thu...