Theo Quyết định số 2313/QĐ-BYT ngày 8/5/2021 của Bộ Y tế về việc phân bổ, sử dụng vaccine phòng COVID-19 đợt 2 có 11.040 liều, giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội. Trong đó, vaccine AstraZeneca được phân bổ về Trường Đại học Y Hà Nội là 3.040 liều.
Trao đổi với PV báo Tin tức, PGS. TS. Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân cho biết: “Chúng tôi được Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Trường Đại học Y Hà Nội giao nhiệm vụ thành lập tổ tiêm chủng để tiêm vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 cho tất cả các cán bộ, nhân viên trong toàn Trường; những sinh viên có nguy cơ cao, như sinh viên tình nguyện đi phòng chống dịch; một số đơn vị Trung ương như Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương Đảng”.
Để thực hiện tiêm vaccine tại Trường ĐH Y Hà Nội, người tiêm phải tuân thủ 2 phần: Chuẩn bị; Trực tiếp thực hiện.
“Phần chuẩn bị cần có sự tham gia chuẩn bị của nhiều đơn vị. Như lên danh sách những đối tượng nào được tiêm; Có sự phê duyệt của Ban chỉ đạo; Đầu mối để sàng lọc trước tiêm.”, PGS TS Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân cho biết.
Video phóng viên báo Tin tức ghi nhận quy trình tiêm vaccine AstraZeneca tại Đại học Y Hà Nội:
Ở phần thực hiện, người tiêm phải trải qua 6 bước:
-Sàng lọc COVID-19: Bảng thông báo niêm yết cửa phòng khám quy định rõ những đối tượng không được vào phòng sàng lọc.
-Có đội ngũ hỗ trợ người tiêm hoàn thiện kê khai y tế online theo quy định của Bộ Y tế.
-Người được tiêm thực hiện kê khai thông tin cá nhân. Cụ thể, thông tin cá nhân liên quan và đặc điểm thông tin của đối tượng đi tiêm; Địa chỉ cư trú hiện nay. Đây là phần khá quan trọng vì liên quan đến yếu tố dịch tễ.
-Đo dấu hiệu sinh tồn để xem người có nguyện vọng tiêm đủ điều kiện để sang tiêm chủng hay không.
-Người được tiêm được chuyển sang phòng Hội trường lớn và tiếp tục các thủ tục như: Tiếp đón, check-in online theo quy định của Bộ Y tế; cập nhật vào phần mềm tiêm chủng Quốc gia để thể hiện có nên tiêm chủng.
-Bước cuối cùng là tiêm và theo dõi sau tiêm.
“Tại đây, chúng tôi in số tiêm chủng. Người tiêm được khám sàng lọc, tư vấn chỉ định của bác sĩ. Mặc dù, các cá nhân phải kê khai đầy đủ nhưng nhiệm vụ của các bác sĩ phải khám rất kỹ xem người có nguyện vọng tiêm đủ điều kiện tiêm chủng hay không. Đồng thời, bác sĩ tư vấn cho họ về vaccine. Trong khi tiêm cần lưu ý những gì. Ví dụ, người tiêm cần phải theo dõi 30 phút sau tiêm, không được tự lái xe về nếu sau tiêm còn mệt mỏi. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sau tiêm bao nhiêu ngày và những dấu hiệu thông thường thường gặp sau tiêm. Có những đối tượng hoãn tiêm, chúng tôi nói rằng khi nào có thể quay trở lại tiêm”, PGS. TS. Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân cho biết.
Có rất nhiều việc cần lưu ý với người vừa tiêm vaccine như: Tự kê khai lại thông tin cá nhân, chờ 30 phút sau tiêm, lấy phiếu tiêm chủng và hẹn ngày trở lại lại...
Theo PGS. TS. Lê Thị Thanh Xuân, phản vệ khi tiêm vaccine có nhiều mức độ khác nhau. Sốc phản vệ thường ở độ nặng. Những ca này thường phản ứng 30 phút sau tiêm, có những trường hợp hy hữu là 1, 2 ngày sau tiêm. Do đó, trong quá trình khám sàng lọc, bác sĩ dặn kỹ như: Họ được tiêm phòng bệnh gì; họ phải theo dõi ở đây như thế nào; Những dấu hiệu nào thông thường; Những dấu hiệu nào là nghiêm trọng bắt buộc phải nhập viện ngay lập tức.