Video phóng viên theo chân lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động các quán cà phê đường tàu:
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, hoạt động kinh doanh cà phê đường tàu - điểm check-in nổi tiếng của TP Hà Nội (đoạn đi qua phố Trần Phú sang Phùng Hưng, qua địa bàn của nhiều phường thuộc quận Hoàn Kiếm) đang hoạt động nhộn nhịp trở sau thời gian dài bị cấm.
Chiều 29/8, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông cho biết, dù đã dựng rào chắn, gắn các biển cảnh báo và có người trực chốt ở nhiều điểm, nhưng hễ vắng bóng lực lượng chứng năng, hoạt động kinh doanh tại đây lại tấp nập.
"Qua nhiều phản ánh từ báo chí, chúng tôi cầu thị tiếp thu và cũng đã nhanh chóng rút kinh nghiệm, tăng cường lực lượng, hướng dẫn tuyên truyền các hộ dân tại đây giữ an toàn giao thông; đặc biệt là không được đón khách du lịch vào quán", ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay.
Ông Nguyễn Hoàng Anh khẳng định, không có hộ dân nào tại đây được cấp giấy phép kinh doanh, vì vậy kinh doanh cà phê ở đây là không được phép. Hiện chính quyền phường Hàng Bông và các phường giáp ranh thành lập các tổ liên ngành, để kịp thời phối hợp trong việc kiểm soát, chấn chỉnh các hộ dân khi có vi phạm.
Trước nhiều ý kiến trái chiều của người dân và khách du lịch cho rằng, thay vì cấm hoàn toàn thì nên biến cà phê đường tàu thành một điểm du lịch, check-in của Thủ đô, với sự quản lý của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Hoàng Anh thẳng thắn chia sẻ: Lực lượng chuyên trách cấp phường rất mỏng, ngoài việc đảm bảo an ninh, an toàn tại đây, vẫn còn những nhiệm vụ khác ở địa phương. Rất khó duy trì chốt trực 24/24 giờ trong ngày và kéo dài; do đó khi lực lượng chốt trực thay ca, các chủ quán cà phê lại dẫn khách vào.
"Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất lên cấp trên và đặc biệt là phía Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, vì theo "hoàn cảnh lịch sử" để lại, các hộ dân nơi đây từng là cán bộ, công nhân viên của ngành đường sắt, sinh sống tại đây nhiều năm. Việc cấm hoạt động kinh doanh tại đây chưa phải là biện pháp triệt để, mà cần sớm tổ chức phương án giải toả, di dời người dân ra khỏi khu vực hành lang an toàn đường sắt", ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay.
Hiện lực lượng Công an và dân phòng các phường gác trực tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ tại khu vực này từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, 100% các hộ kinh doanh tại đây vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, để đảm bảo an toàn cho việc chạy tàu, giữa tháng 9/2022, lực lượng chức năng đã dựng rào chắn tại khu vực phố cà phê đường tàu. Ngoài ra, những hộ nào cố tình vi phạm sẽ bị đóng cửa các quán cà phê đường tàu và thu hồi giấy phép kinh doanh.
Thực tế, khoảng cách từ nhà dân đến mép ray đường tàu chỉ 1,8-2,3 m. Khi tàu chạy qua, khoảng không còn lại là rất ít. Chưa kể đến việc du khách quá đông, có thể dẫn đến chen lấn, xô đẩy hay trượt chân, vô cùng nguy hiểm. Những cách thức mà các quán cà phê áp dụng hiện nay như dọn bàn dọn ghế, cảnh báo khách khi tàu đến… không chắc đảm bảo an toàn cho khách du lịch, và càng không chắc sẽ không để xảy ra các vụ tai nạn.
Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, quận sẽ tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường và xử lý nghiêm, không để tình trạng các cơ sở kinh doanh hoạt động, tập trung đông đúc tại phố cà phê đường tàu, gây mất an toàn đường sắt và đe dọa tới an ninh trật tự cũng như tính mạng của người dân.