Thái Lan là quốc gia sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển nhiều cây cao su đã góp phần dẫn đến giảm đa dạng sinh học, tăng sói mòn đất, phá rừng. Một số ít nông dân như bà Wanida đang từ bỏ dần sử dụng thuốc trừ sâu nhằm cố gắng giảm ảnh hưởng từ ngành công nghiệp cao su đến môi trường.
Bà Wanida cũng nhận thấy lợi ích từ việc chuyển sang phương pháp thân thiện môi trường. Bà sở hữu 1,5 ha đất tại tỉnh miền Nam Surat Thani, nơi trồng 500 cây cao su. Bà Wanida nói: “Nơi đây có giun trong đất. Những đồn điền dùng thuốc trừ sâu sẽ không sở hữu thiên nhiên như thế này bởi chất hóa học họ sử dụng sẽ tàn phá đất đai”.
Bà là một trong số ít nông dân Thái Lan được trao chứng nhận của tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Forest Stewardship Council (FSC) khuyến khích sử dụng bền vững rừng.
Thái Lan xuất khẩu gần 6 tỷ USD cao su trong năm 2021 với số lượng lớn được sản xuất từ các nông dân quy mô nhỏ bán cho người trung gian.
Dưới đây là phóng sự do hãng thông tấn AFP (Pháp) thực hiện về công nghiệp cao su bền vững ở Thái Lan:
Bà Maiprae Loyen, người đồng sáng lập công ty Agriac khuyến khích phương pháp tốt cho nông dân ở miền Nam Thái Lan, chia sẻ: “Lần đầu tiên khi tôi nói về phát triển bền vững, mọi người nhìn tôi cười với khuôn mặt nhiều nghi ngờ”.
Agriac hợp tác với 1.000 nông dân và cam kết tăng 3 baht cho mỗi kg cao su được chứng nhận của FSC. Việc áp dụng phương pháp bền vững tạo điều kiện để bà Wanida bán cao su với giá cao hơn và thu được khoảng 650 USD/tháng thay vì 550 USD như trước đây.
Vào tháng 12/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấm nhập khẩu cao su được coi góp phần gây phá rừng. Tuy nhiên, nhà phân tích Chaiwat Sowcharoensuk tại ngân hàng Krungsri cho rằng điều này sẽ không tác động nhiều đối với Thái Lan bởi Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu hàng đầu của Thái Lan- lại không ưu tiên tính bền vững.
Ông nhận định: “Nếu một ngày Trung Quốc tuyên bố kế hoạch về cao su bền vững thì người nông dân địa phương sẽ chú ý. Họ sẽ hành động nếu không bán được cao su”.