Vụ hỏa hoạn xảy ra trên tàu chở hàng Fremantle Highway có trọng tải 18.500 tấn. Đã có một người thiệt mạng và một số người khác bị thương trong vụ việc. Công ty Shoei Kisen của Nhật Bản, chủ sở hữu tàu Fremantle Highway cho biết họ đang làm việc với các nhà chức trách để kiểm soát vụ hỏa hoạn.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời người đại diện của công ty cho thuê tàu Fremantle Highway là "K" Line (Nhật Bản) ngày 28/7 cho biết có tổng cộng 3.783 ô tô mới trên con tàu, trong đó có 498 xe điện.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Hà Lan thừa nhận vẫn chưa được xác định được nguyên nhân của vụ cháy. Tuy nhiên, đài truyền hình RTL của Hà Lan đã phát một đoạn ghi âm trong đó người ứng cứu khẩn cấp nói rằng "ngọn lửa bắt nguồn từ pin một chiếc ô tô điện”.
Có 209 vụ cháy tàu được ghi nhận trong năm 2022, con số cao nhất trong một thập niên và nhiều hơn 17% so với năm 2021. Trong số đó, 13 vụ xảy ra trên các tàu chở ô tô, nhưng không rõ có bao nhiêu xe điện liên quan.
Dưới đây là video về vụ cháy tàu Fremantle Highway (nguồn: Bloomberg)
Tuy vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra vụ cháy tàu Fremantle Highway nhưng điều này đã làm dấy lên nhiều lo lắng. Người phát ngôn của Hiệp hội Hoàng gia các chủ tàu Hà Lan - Nathan Habers nhận định: “Điểm mù của vận chuyển ô tô điện trang bị pin là khi chúng bắt lửa thì không thể dập tắt bằng nước hoặc thậm chí là phương pháp giảm oxy”.
Mối nguy hiểm trong pin lithium-ion là "sự thoát nhiệt" - việc gia tăng nhiệt độ nhanh chóng và không thể ngăn cản dẫn đến các đám cháy trong xe điện khó dập tắt và có thể tự bùng phát trở lại.
Giám đốc điều hành của Hiệp hội An toàn Hàng hải ba bang bao gồm Delaware, Pennsylvania và New Jersey (Mỹ) – ông Douglas Dillon cho biết: “Hệ thống chữa cháy trên những con tàu khổng lồ chuyên chở ô tô không được thiết kế để đối phó với những đám cháy nóng hơn đó và các công ty vận chuyển cũng như cơ quan quản lý đang nỗ lực để bắt kịp”.
Rủi ro càng gia tăng bởi mô hình kinh doanh được các công ty như chủ sở hữu của tàu Fremantle Highway áp dụng. Tàu chở ô tô được ví như nhà để xe nổi và có thể chở hàng nghìn phương tiện. Tuy nhiên, không giống như các bãi đỗ xe, những chiếc ô tô được xếp sát nhau với khoảng trống từ 30-60 cm trên đầu.
Ông Dillon nói rằng lính cứu hỏa thường dập tắt các đám cháy do pin xe điện trên đường bằng cách dọn sạch khu vực xung quanh phương tiện đang cháy và đổ nước vào bên dưới. Tuy nhiên biện pháp này khó áp dụng được trên các tàu chở ô tô. Ông Dillon phân tích: “Lính cứu hỏa mặc đồ bảo hộ không có cách nào để tiếp cận vị trí xảy ra hỏa hoạn trên một con tàu”. Ông đồng thời cho biết thêm điều kiện chật chội trên tàu làm tăng nguy cơ mắc kẹt.
Ông John Frazee – giám đốc điều hành công ty môi giới bảo hiểm Marsh (Mỹ) - nhận định tàu hỏa và xe tải cũng có thể vận chuyển xe điện và việc dập tắt đám cháy sẽ dễ dàng hơn bởi có thể tháo móc toa tàu và điều khiển xe tải tấp vào lề.
Các giải pháp để tăng cường hệ thống an toàn trên tàu bao gồm hóa chất mới để dập tắt ngọn lửa, chăn cứu hỏa xe điện chuyên dụng, vòi phun vòi chữa cháy xuyên qua pin và tách biệt xe điện.
Người phát ngôn của Tổ chức Hàng hải Quốc tế chia sẻ với Reuters rằng đã có kế hoạch đánh giá các biện pháp mới vào năm tới đối với tàu vận chuyển xe điện trước tình hình ngày càng có nhiều vụ cháy trên tàu chở hàng. Điều đó có thể bao gồm chi tiết về loại bình chữa cháy nước trên tàu và giới hạn về lượng sạc của pin xe điện.
Doanh số bán ô tô toàn cầu năm 2022 đạt tổng cộng 81 triệu xe với 9,5% trong số đó là xe điện. Trung Quốc và châu Âu đã tích cực nhất trong việc thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô chuyển sang xe điện và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden còn đề xuất các quy tắc có thể dẫn đến việc 2/3 xe mới bán ra vào năm 2032 là xe điện.