Người dân các xã Thụy Xuân, Thụy Trường của huyện Thái Thụy (Thái Bình) sáng sớm tinh mơ đã rục rịch rủ nhau ra biển bắt ốc móng tay.
Bà Nguyễn Thị Thủy, 57 tuổi, ở xóm 2, xã Thụy Xuân, cho biết: "Chẳng biết ai đã “sáng kiến” dùng que sắt bắt ốc móng tay, nhưng khi lên 10 tuổi tôi đã theo mẹ ra biển bắt ốc móng tay về làm thực phẩm phục vụ bữa cơm gia đình. Nhiều hôm bắt được 4 - 6kg, ăn không hết tôi còn mang bán với giá 70.000 đồng/kg”.
4-5 giờ sáng, trời tờ mờ, chưa nhìn rõ mặt người, từng đoàn người trong các làng của xã Thụy Xuân, Thụy Trường đã tụ tập tại đầu bến biển “vô cực” thôn Vạn Xuân Đông để đi bắt ốc móng tay.
Điểm khác biệt của kỹ thuật bắt ốc móng tay ở đây là người dân không sử dụng vôi hay muối i-ốt để bắt mà họ chỉ dùng que sắt cũng dễ dàng đưa ốc lên khỏi mặt nước. Dựa vào quan sát và kinh nghiệm truyền lại, người dân dễ dàng bắt cả vài kg ốc trong vòng buổi sáng.
Ốc móng tay đã đem lại thu nhập đáng kể và ổn định cho những người dân nơi đây. Những ngày mưa bão thì ở nhà, nắng lên lại rủ nhau ra biển bắt ốc, cào ngao, bắt còng còng cay cáy hay những con hà bám trên thân cây sú vẹt. Đây là những thủy hải sản sẵn có được "trời phú" cho người dân nới đây mà không phải nuôi.
Anh Đào Thanh Tuấn, xã Thụy Xuân chia sẻ: "Nhìn chung công việc không quá vất vả nhưng đòi hỏi phải quen và nhanh tay thì mới bắt được nhiều. Mỗi chuyến ra biển bắt được từ 3 -5 kg ốc móng tay là chuyện bình thường. Giá bán khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg, phụ thuộc chủ yếu vào hôm nhiều hôm ít ốc".
Không chỉ người lớn mà trẻ em cũng theo bố mẹ đi bắt ốc món tay ngoài biển. Nhiều du khách về tham quan biển “vô cực” cũng thích thú trải nghiệm bắt ốc móng tay.
Video về người dân bắt ốc móng tay ở biển "vô cực":