Xí nghiệp may xuất khẩu Yên Mỹ, thuộc Công ty Thương mại dịch vụ thời trang Hà Nội (Khu công nghiệp Phố Nối A, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) chuyên may hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Cử tọa gồm 300 khách mời là các học giả, chuyên gia và đại diện các hãng thông tấn báo chí. Phóng viên TTXVN tại Washington cho biết tại cuộc thảo luận, các đại sứ và đại diện của 4 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chia sẻ về nhận thức của dư luận từng nước đối với TPP, những thách thức sắp tới trong quá trình ký kết, phê chuẩn và thực thi TPP của từng nước.
Các diễn giả nhìn chung cho rằng mặc dù còn có những nhìn nhận đa chiều, song về tổng thể thì đa số người dân, cộng đồng doanh nghiệp các nước đều ủng hộ hiệp định TPP, cho rằng hiệp định này đem lại lợi ích chung các nước thành viên thông qua việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, gắn kết các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu...
Theo Đại sứ Peru Luis Miguel Castilla, thỏa thuận đạt được là kết quả của quá trình đàm phán căng thẳng kéo dài suốt hơn 5 năm, các nước đều phải có những điểm nhân nhượng nhất định, và do đó dư luận mỗi nước rất dễ tìm ra vài điểm “chưa thỏa đáng” cho mình. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận lợi ích tổng thể của TPP, không nên đặt ra việc đàm phán lại một số điều khoản vì sẽ gây đổ vỡ kết quả đạt được.
Do TPP là thỏa thuận tự do thương mại với những tiêu chuẩn cao và những nội dung chưa từng được đề cập trong các thỏa thuận tự do thương mại trước đó, trong quá trình thực thi, các nước sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức khác nhau.
Canada cần phải có thời gian để chính phủ mới xem xét và lấy ý kiến của các nhóm trực tiếp chịu ảnh hưởng của TPP trước khi tiến hành ký kết, phê chuẩn, đặc biệt với các lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp, sinh dược, sở hữu trí tuệ. Với Nhật Bản, những người nông dân Nhật còn hoài nghi về những lợi ích mà TPP mang lại và do vậy chính phủ nước này sẽ phải thông tin, thuyết phục người dân về lợi ích mà TPP mang lại trên từng lĩnh vực cụ thể.
Peru cho rằng xây dựng năng lực thực thi là thách thức lớn nhất của nước này trong thời gian tới. Các đại sứ 4 nước TPP tham gia đối thoại cho rằng TPP không mâu thuẫn với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các thỏa thuận thương mại khu vực, mà ngược lại sẽ thúc đẩy các cơ chế tự do hóa thương mại này phát triển. Việc một số nước bày tỏ quan tâm gia nhập TPP trong thời gian tới đã thể hiện rõ sức hấp dẫn của TPP.
Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh đã chia sẻ những băn khoăn của Việt Nam khi bắt đầu tham gia vào quá trình đàm phán TPP, song với nỗ lực và quyết tâm chính trị cao, Việt Nam đã tích cực tham gia đàm phán và quyết tâm thúc đẩy việc phê chuẩn, triển khai TPP theo đúng cam kết. Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, TPP có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế và chiến lược đối với Việt Nam và các thành viên khác.
Tuy nhiên, là nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam gặp rất nhiều thách thức trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao mà TPP đặt ra, khả năng tận dụng những cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu mà TPP mang lại, đồng thời bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu.
Việc xây dựng năng lực và chuyển đổi để thích ứng với TPP cần cả một quá trình, trong đó bên cạnh những nỗ lực nội tại, Việt Nam mong nhận được hỗ trợ kỹ thuật của các nước thành viên khác.
Mặc dù tin tưởng rằng TPP sẽ góp phần quan trọng định hình thương mại thế giới trong 20 năm tới, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh điều quan trọng là TPP phải chứng tỏ trên thực tế sự thành công của mình, và chính sự thành công đó sẽ có tác dụng lan tỏa và dẫn dắt các cơ chế thương mại khác.
Trả lời các câu hỏi của cử tọa về khả năng Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam trong quá trình TPP và khả năng Trung Quốc tham gia TPP, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho hay hiện đã có nhiều quốc gia, trong đó có một số nước thành viên TPP công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường đầy đủ, và Việt Nam đang tích cực làm việc với phía Mỹ trong vấn đề này.
Theo Đại sứ, việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam thể hiện mối quan hệ thương mại bình thường, chưa nói đến là giữa các nước thành viên TPP.
Về việc kết nạp thành viên mới của TPP, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng việc này được quy định rõ trong văn bản thỏa thuận, các nước khác đều có thể tham gia nếu đáp ứng các cam kết và tiêu chuẩn cao của TPP và được các nước thành viên đồng ý. Tuy nhiên, như nhà lãnh đạo các nước thành viên TPP đã nhất trí, ưu tiên cao nhất của các nước TPP lúc này là ký kết, phê chuẩn và triển khai hiệp định.