Nathan Bedford Forest - một thủ lĩnh của KKK. |
"Bombingham" là từ được dùng để nói về một vụ đánh bom tàn khốc xảy ra tại thành phố đầy hỗn loạn Birmingham ở miền nam nước Mỹ ngày 15/6/1963. Vụ tấn công nhà thờ nhằm đúng buổi lễ ngày chủ nhật bị xem là một trong số những tội ác đáng ghê tởm nhất ở Mỹ trong thế kỷ 20. Những kẻ thủ ác ẩn mình sau những chiếc mặt nạ bí mật và trong những tấm áo choàng trắng của tổ chức phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan. Hành trình đi tìm công lý trong vụ này kéo dài tới 4 thập kỷ, trải qua 8 đời tổng thống, trong khi nỗi đau vẫn từng ngày, từng giờ gặm nhấm tâm can các thân nhân nạn nhân và cả những người Mỹ có lương tri.
Kỳ 1: Ku Klux Klan
Cuộc nội chiến của nước Mỹ, với hậu quả kéo dài qua nhiều thế hệ sau, đã hằn sâu vào tâm lý và văn hóa của người dân vùng cực nam. Cuộc chiến rồi cũng qua, nhưng sự phân biệt chủng tộc thì đã trở thành một phần trong cuộc sống ở các tiểu bang Mississippi, Alabama, Georgia và những tiểu bang miền nam khác. Vị đắng dai dẳng và lòng thù hận còn lại sau cuộc nội chiến đã thực sự rất tồi tệ ở nhiều cộng đồng dân cư miền nam, không khác gì một vết thương mưng mủ.
Bìa cuốn sách viết về KKK “The Fiery Cross”. |
Trong những năm chiến tranh, nhà cửa bị đốt cháy, cuộc sống bị hủy hoại và của cải mất mát. Nhiều gia đình đã sống và làm ăn phát đạt trên mảnh đất này suốt nhiều thế hệ nay trở thành trắng tay, không nhà cửa và không tiền bạc. Trước cảnh tượng hoang tàn và một tương lai u ám, nhiều người đã đổ lỗi cho những nô lệ được giải phóng. Và tổ chức Ku Klux Klan (KKK), còn được gọi là “Đế chế vô hình”, đã nuôi dưỡng mối thù hận này.
Năm 1866, sáu cựu binh Liên minh miền Nam, những người chán ngán với cuộc sống sau chiến tranh ở Tennessee, đã lập ra nhóm Ku Klux Klan - một biến thể của từ "kuklos", có nghĩa là "hình tròn" trong tiếng Hy Lạp. Tại thành phố có cái tên không mấy quen thuộc Pulaski, những cựu binh này, gồm cả người đã tốt nghiệp đại học, khoác lên mình những tấm ga trải giường trắng và cùng nhau cưỡi ngựa đi quanh các ngọn đồi ở hạt Lawrence. Ban đầu, những cuộc diễu ngựa vào ban đêm chỉ đơn thuần là trò nghịch ngợm và trêu đùa người khác.
Cuộc diễu hành của KKK năm 1928. |
Tuy nhiên, nhiều người da đen vừa được giải phóng khỏi ách nô lệ đã mê muội cho rằng, những kỵ sĩ trong đêm mà họ nhìn thấy chính là bóng ma của những người lính miền Nam tử trận trở về để báo thù. Khi nhận thấy trò nghịch ngợm của mình có thể gây ra nỗi khiếp sợ, KKK bắt đầu đe dọa và quấy nhiễu người da đen địa phương sống ở phía tây Tennessee và phía bắc Alabama.
Sự quấy nhiễu nhanh chóng biến thành bạo lực. Một vị tướng thuộc Liên minh miền Nam trước đây là Nathan Bedford Forrest đã đem tài tổ chức của mình đóng góp cho KKK và chẳng bao lâu, số lượng thành viên của tổ chức này đã tăng lên nhanh chóng, chủ yếu là những thanh niên da trắng thất nghiệp, hằn học vì cuộc chiến và mong muốn tấn công những nô lệ đã được trả tự do. Chúng thường xuyên đột nhập vào nhà của người da đen, tịch thu vũ khí, ăn trộm gia súc và tấn công buổi lễ nhà thờ của họ.
Dưới sự lãnh đạo của tướng Forrest, KKK đã tổ chức các cuộc diễu hành công khai trên các đường phố trong trang phục áo choàng và mũ trùm đầu màu trắng. Đồng thời, KKK trở thành một tổ chức ngầm, các thành viên được giữ bí mật và được bảo vệ chặt chẽ. Thành viên của tổ chức này tuyên truyền với những người khác rằng, KKK đang chiến đấu vì danh dự của miền Nam. Ở khắp nơi, người da đen trở thành mục tiêu của những cuộc tấn công đêm đáng sợ: nhà cửa bị đốt cháy, người dân bị giết hoặc bị đuổi ra khỏi nơi mình sinh sống.
Trong vòng vài năm, KKK đã trở thành một đội quân thực sự. Chúng kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn và ở một số hạt, KKK là thứ “luật pháp” duy nhất tồn tại. Ở Nam Carolina, tình hình trở nên cấp bách đến nỗi thống đốc bang đã phải yêu cầu Tổng thống Andrew Johnson sử dụng quân đội để giành lại quyền kiểm soát bang này từ tay của tổ chức Ku Klux Klan.
Tại Alabama, “Đế chế vô hình” có mặt trong mọi cơ quan quyền lực. Ai cũng có thể bị nghi là thành viên KKK bởi chẳng ai có thể biết đích xác ai đó tham gia hay không tham gia tổ chức này. Thành viên của KKK đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau như chính trị gia, thẩm phán, cảnh sát, nhân viên, chủ cửa hàng…
Quyền lực của KKK mạnh đến mức, nếu một thành viên nào đó có bị bắt vì liên quan đến hành vi giết người thì cũng có rất ít nguy cơ bị kết án. Đơn giản là vì bồi thẩm đoàn và nhân chứng đều là thành viên của KKK. Mục tiêu của tổ chức này thường là người da đen và cả những người da trắng có thiện cảm với người da đen. Giáo viên trong các trường dành cho người da đen bị sát hại một cách có hệ thống, nhà cửa của họ bị đốt cháy rụi. Bất cứ ai không đi chung con đường của Klan đều có nguy cơ bị thủ tiêu hoặc đơn giản là mất tích.
Những năm 1920 là “thời kỳ vàng son” của KKK với số lượng thành viên lên tới hàng triệu. Năm 1928, ở đỉnh cao quyền lực, các thành viên của KKK trong trang phục đặc trưng – khăn trùm đầu - đã diễu hành dọc đại lộ Pennsylvania dưới cái bóng của tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ.
Tác giả Wyn Craig Wade, trong cuốn sách về KKK "The Fiery Cross”, đã viết rằng: “Nhờ sự hậu thuẫn của KKK mà 16 thượng nghị sỹ (9 thuộc đảng Cộng hòa và 7 thuộc đảng Dân chủ), 11 thống đốc (6 thuộc đảng Cộng hòa và 5 thuộc đảng Dân chủ) và một số nghị sĩ khác đã đắc cử”.
Núp sau chiếc mặt nạ của sự hợp pháp và các khẩu hiệu thể hiện lòng yêu nước, KKK đã dụ dỗ nhiều người tham hàng ngũ của mình. Ngay cả Tổng thống Harry S. Truman đã từng có lúc là thành viên KKK (đã ông từ bỏ ngay sau khi tham dự một cuộc họp của tổ chức này). Thẩm phán Tòa án tối cao Hugo Black và Tổng thống Warren Harding cũng từng dành cho thành viên KKK đặc quyền được phép vượt đèn đỏ ở bất cứ nơi nào trên nước Mỹ.
Rất khó để tìm ra một ngôi làng, thị xã hay thành phố nào ở miền nam nước Mỹ mà không có sự hiện diện của KKK.
Nguyễn Bình
Đón đọc kỳ 2: Thành phố của sự sợ hãi