"Dagobert" - Kẻ tống tiền tinh quái(Kỳ cuối)

Đầu những năm 1990, cả nước Đức xôn xao vì vụ tống tiền tập đoàn Karstadt mà kẻ tống tiền mang biệt danh "Dagobert" - tên chú vịt trong bộ phim của Walt Disney. Vụ tống tiền với biệt danh "Dagobert" đã trở thành vụ tống tiền lâu dài và tốn kém nhất trong lịch sử các vụ án hình sự Đức. Trong gần 2 năm trời, "Dagobert" đã chơi trò mèo vờn chuột với cảnh sát, sử dụng nhiều thiết bị tự tạo để đánh lừa cảnh sát, nên phải sau hơn 30 lần trao tiền thất bại, 6 lần gây nổ và cháy, gây nhiều thiệt hại lớn với phí tổn ước tính lên đến 30 triệu D-mark, cảnh sát mới tóm được "Dagobert" - tên thật là Arno Martin Franz Funke.


Kỳ cuối: Ngày cuối cùng của "Dagobert"


Sáng hôm đó, 22/4/1994, Martin Textor vui vẻ tới văn phòng. Thật ra, lúc nào anh chàng cũng vui vẻ, vì anh chàng yêu thích nhiệm vụ của mình, công việc của mình, các cộng sự của mình. "Những người điên rồ" của Đội đặc nhiệm, những người lúc nào cũng sẵn sàng tình nguyện tham gia mọi hoạt động nguy hiểm. Những xạ thủ bắn tỉa kiệm lời, trong đầu luôn đặt mình vào vai những kẻ ám sát để hình dung những kế hoạch của bọn chúng và ngăn cản những hành động tấn công các vị khách nhà nước hoặc những nhân vật quan trọng tương tự. Những chuyên gia trinh sát ngoại tuyến của Đội cơ động, những nghệ nhân biến hóa có thể cải trang thành những người thợ thủ công hoặc những người bán xúc xích để bám gót những kẻ tình nghi mà chúng không hề hay biết. Martin Textor bước qua barie vào trụ sở của các đội đặc nhiệm tại Quảng trường Augusta. Anh thoáng nghĩ tới Andreas Grosser, một trong những đồng đội xuất sắc nhất, nay phải nhận nhiệm vụ khác.

Arno Funke ký sách tặng độc giả.

Anh chàng lẩm bẩm: "Thằng cha đáng thương". Bởi chính Andreas Grosser cùng với những người trong Đội cơ động đã phải đầu tư rất nhiều để có thể bắt được "Dagobert". Chính nhân viên trẻ này đã đưa ra "Phương án điện thoại" và Textor còn nhớ rất rõ khi anh tới và nói về ý tưởng này. Nói về việc người ta không bao giờ bắt được "Dagobert" lúc trao tiền, vì y quá thận trọng.

Nếu bắt được thì chỉ khi đang nói chuyện điện thoại. Vì vậy, họ đã tìm kiếm sự tương đồng giữa các bốt điện thoại mà "Dagobert" sử dụng để liên lạc. Tất cả nằm ở phía tây của thành phố, tất cả là bốt sử dụng tiền xu, tất cả đều có tầm nhìn thoáng có thể quan sát xung quanh. Phương án đó rất có lý, nhưng phải tốn phí nhân sự rất nhiều để thực hiện. Năm 1994, cả Béclin có 9.000 bốt điện thoại công cộng, tất cả đều được nghiên cứu xem có thể được sử dụng hay không từ góc độ của hung thủ. 3.000 chiếc có khả năng được sử dụng. Nhằm không phải huy động quá nhiều cảnh sát theo dõi, hàng trăm bốt điện thoại bị treo biển "đang hỏng". Đó là phương án của Grosser.

Khoảng 8 giờ hơn, Martin Textor mở cửa phòng chỉ huy Đội cơ động, nheo mắt nói với người phó của mình: "Khoảng 10 giờ 30 phút, tôi chờ có một cú điện thoại báo cho tôi biết là các cậu đã có hắn, hiểu chưa?". Sau đó, Textor đi vào phòng mình và bất ngờ nhận được tin xấu. Qua liên lạc vô tuyến, đơn vị cơ động được giao nhiệm vụ giám sát Arno Funke cho biết đã không còn nhìn thấy Funke, vì xe cộ quá nhiều.

Sáng hôm đó ở Treptow thật thanh bình, có lẽ hơi đông xe. Arno Funke lái xe đi chầm chậm. Một cậu học trò dựng chiếc xe đạp trước một cửa hiệu bánh. Funke nghĩ bụng: "Chắc lại trốn học rồi!". Hay là mình cũng trốn, không điện thoại nữa, ngồi nhâm nhi một ly cà phê và để yên sự việc. Phải chăng không có mối lo về tiền. Y chẳng đã thành công một lần là gì. Khi đó, y đã tống tiền KADEWE và nhận được nửa triệu D-mark.

Họ đã nhanh chóng trả tiền, sau khi y cho nổ bom trong đêm. Quả thực, vụ trả tiền diễn ra rất nhanh. Sau đó, y và gia đình có thể sống sung túc trong 6 năm trời. Lần này, y đòi nhiều hơn, những 1,4 triệu D-mark. Nhưng mọi việc trầy trật. Kế hoạch trao tiền bị thất bại tới 30 lần. Một quả bom tự tạo đã phát nổ sai giờ trong một chi nhánh của Karstadt, làm hai người bị thương nhẹ.

Từ đó, y bị coi là một kẻ vô lương tâm. Vớ vẩn, nếu họ không trả tiền, y phải cảnh cáo. Y không muốn làm ai bị thương. Phải kết thúc thôi, thế này hay thế khác. Arno Funke bật đèn xi nhan và rẽ vào một khu dân cư phía sau một khu rừng nhỏ. Tại đó, y nhìn thấy một chiếc bốt điện thoại, ẩn mình sau vài cái cây. Y đỗ xe cách đó vài mét và vội vàng quay lại. Lúc này đúng 10 giờ.

Funke nhấc ống nghe, không có tín hiệu. Chiếc điện thoại bị hỏng. Funke đặt lại ống nghe, đi về xe ô tô và lái đi liên tục không nghỉ. Y cần có một bốt điện thoại, ngay bây giờ để mọi việc có thể kết thúc.

Andreas Grosser và mấy nhân viên vào vị trí để theo dõi kẻ sát nhân đang bị truy nã. Y đang tới thăm một người bạn và có lẽ giúp anh ta sửa nhà. Anh hỏi đồng đội qua máy bộ đàm: "Có dấu hiệu nào cho thấy y sắp rời căn hộ đó không?". Có tiếng trả lời: "Không thấy gì, có khi phải vài tiếng". Grosser sốt ruột quay đi quay lại trên ghế xe ô tô. "Dagobert" định gọi điện từ 10 tới 11 giờ, giờ đã là 10 giờ. Một đồng đội đột nhiên xuất hiện bên cạnh Grosser: "Biến đi, tóm lấy hắn. Chúng tôi ở đây xử lý được rồi". Grosser gật đầu. Anh gọi điện cho sếp, Textor phải bật đèn xanh. Textor đồng ý.

Arno Funke thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy một bốt điện thoại. Phố Hagedorn, cái tên lạ quá, chưa nghe bao giờ. Khu vực này tốt, yên tĩnh, toàn những ngôi nhà ba tầng được xây dựng từ những năm 1920-1930. Nhà ga Schoeneweide chỉ cách đó 5 phút đi xe. Funke mở cửa bốt điện thoại. Đây là điện thoại dùng thẻ. Tay y hơi run khi nhét thẻ vào máy. Y bấm nhầm số. Y tự nhủ phải bình tĩnh. Có tiếng chuông đổ, một hồi, hai hồi, ba hồi. Không có ai nhấc máy. Người y nóng bừng, mồ hôi tứa ra trên trán. Y chửi thề: "Nhấc máy lên đi chứ". Rồi có tiếng nói ở đầu dây bên kia. Không phải là Horst Schroeter mà là một người khác. Chắc chắn cũng là một cảnh sát. Funke nói, cố tình cao giọng: "Đây là Dagobert. Hôm nay sẽ trao tiền. Hãy chờ chỉ dẫn tiếp theo". Funke thấy khó chịu với giọng nói ở đầu dây bên kia, họ tìm cách kéo dài thời gian. Funke chấm dứt cuộc nói chuyện. Cuộc đàm thoại kéo dài chưa đầy ba phút. Hôm đó là thứ sáu, ngày 22/4/1994, hồi 10 giờ 14 phút.

Bìa cuốn tiểu sử tự thuật "Đời tôi là Dagobert".'

Nhân viên điều tra Frank L. và Dirk F. là hai cảnh sát được tập luyện nhiều. Họ mặc quần bò, bên trên là áo sơ mi rộng để che giấu vũ khí trước những con mắt tò mò. Hai người này thuộc một trong rất nhiều đơn vị mặc thường phục đi lại ở quận Treptow để tìm kiếm chiếc xe Daihatsu Cuore. Các đồng đội đã lạc mất mục tiêu vì xe đông quá. Nhìn gương chiếu hậu, L. phát hiện một chiếc xe đi theo mình. Lại là đồng đội đi tìm kiếm Funke. "Chúng ta đang ở đâu vậy?", "Phố Hagedorn", Dirk F. trả lời và bất ngờ nhìn thấy chiếc xe Cuore đậu bên lề đường, nhưng không thấy lái xe.

Đột nhiên, một bóng người xuất hiện từ một lùm cây bên đường, đi nhanh về phía chiếc xe Daihatsu Cuore, rút chìa khóa khỏi túi quần. Trong xe chẳng phải là một chiếc xe đạp là gì? Mọi hình ảnh được ghép lại, đúng là y rồi. Người đàn ông nhìn hai nhân viên điều tra, giật mình nhìn quanh, tỏ ra thất vọng.

Đúng thời điểm đó, Arno Funke biết rằng mọi việc đã hết. Không còn cơ hội tẩu thoát nữa. Bốn người nhảy ra khỏi hai xe ô tô, rút súng. Funke chợt nghĩ tới gia đình: "Mình đã làm gì họ? Malu, Wolfgang. Giờ đây họ sẽ ra sao?". Người chồng, người cha, người hàng xóm, người bạn - giờ là một kẻ tống tiền cửa hàng bách hóa. Phải chăng y nên xấu hổ, giận dữ đối với cuộc đời ngớ ngẩn này, hay là y cảm thấy một sự nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng trong lòng? Arno Funke giơ hai tay và đứng yên. Mọi việc đã chấm dứt.

Bốn người nhảy vào, vật Funke xuống đất. Họ còng tay y. Chưa đầy hai phút sau, việc bắt được "Dagobert" đã được thông báo qua máy bộ đàm của cảnh sát. Andreas Grosser lái chiếc xe Passat vào phố Hagedorn. Anh nhìn thấy đồng đội, thấy một người bị bắt, đó chính là "Dagobert". Andreas Grosser bước ra khỏi xe và đi về phía Funke. Anh muốn nhìn vào mắt kẻ tống tiền giờ đây đã lộ diện. Funke, người có bộ ria mép cũng mỉm cười: "Mọi việc đã kết thúc và tôi cũng mừng vì điều đó. Tôi là Dagobert!".

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)

"Dagobert" - Kẻ tống tiền tinh quái (Kỳ II)
"Dagobert" - Kẻ tống tiền tinh quái (Kỳ II)

Funke trở nên nổi tiếng vì sự khéo léo, tinh xảo khi tự chế tạo các thiết bị kỹ thuật để đánh lạc hướng cảnh sát trong hơn 30 lần tìm cách trao tiền theo đòi hỏi của y.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN