Hiến tế ở Luân Đôn

Hiến tế ở Luân Đôn-Kỳ I: Xác chết bên sông Thames

Nạn nhân có thể là một người thân trong gia đình, thậm chí một trong những đứa con của họ. Đứa trẻ bị giết không phải vì họ tức giận với nó, mà họ mang ơn nó. Đứa trẻ được dùng làm vật hy sinh vì họ mong nó có được một điều gì đó tốt đẹp hơn. Hình thức hiến tế có nguồn gốc từ châu Phi này đã xảy ra ngay giữa thành phố hiện đại bậc nhất châu Âu. Nguy hiểm hơn, việc giết hại các nạn nhân không chỉ dừng lại ở hiến tế, mà còn là một tội ác để phục vụ những ham muốn danh lợi của người khác.

Kỳ I: Xác chết bên sông Thames

Ngày 21/9/2001, trên sông Thames, đoạn gần cầu Tháp, cảnh sát Luân Đôn kinh hoàng phát hiện phần thi thể của một trẻ em bị cắt xẻo một cách rất man rợ nổi lập lờ. Phần thi thể này có khả năng là của một em nhỏ da đen khoảng 5 tuổi.

Một sangoma đang hành nghề ở Nam Phi.


Vì chưa biết tung tích nạn nhân, nên cảnh sát tạm thời đặt tên cho cái xác là “Adam”. Khám nghiệm pháp y xác định hai chân của Adam đã bị cắt rời ra ở phía trên đầu gối, cánh tay bị cắt cụt ở vai và đầu cũng bị cắt bỏ. Nguyên nhân chết của nạn nhân là do thương tích ở cổ, sau khi các chi đều đã bị cắt rời bởi một tay đồ tể chuyên nghiệp.

Dư luận cho rằng, Adam có thể là nạn nhân của một vụ giết người kiểu cắt xẻo và vụ giết người kiểu này không phải là vụ đầu tiên ở Anh, mà có lẽ nằm trong một đường dây giết người bởi một giáo phái sát nhân được hình thành trong cộng đồng người gốc châu Phi tại Luân Đôn.

Giáo sư Hendrik Scholt, một chuyên gia về các vụ án giết người bằng cách cắt xẻo từ Nam Phi, đã nhanh chóng được mời tới. Sau khi giám định tử thi, ông kết luận, cổ họng của nạn nhân đã bị cắt, để lấy máu từ cơ thể dùng cho một nghi thức tế lễ.

Đoạn sông Thames nơi phát hiện phần thi thể còn lại của Adam.


Đặc biệt cảnh sát phát hiện đốt sống cổ số 1 (đốt sống nằm giữa cổ và cột sống) của tử thi đã bị lấy đi. Ở châu Phi, đốt sống cổ số 1 này được gọi là Atlas và người ta quan niệm rằng, chính xương Atlas gánh vác cả thế giới. Trong y thuật Muti, người ta cho rằng, xương Atlas là đốt xương duy nhất của toàn bộ khung xương, những ai được ăn nó sẽ có quyền năng huyền bí và sức mạnh vô biên. Giáo sư Scholtz, cùng với đội khám nghiệm khoa học hình sự cũng đã có thể nhận định rằng đứa trẻ này đã được chăm sóc khá chu đáo trước khi chết. Đứa trẻ không bị thiếu cân và những chất chứa trong dạ dày của tử thi đều có chứa chất pholcodine, một loại thuốc ho. Trên thực tế, mọi giả thuyết đều hướng tới một vụ giết người bằng cách cắt xẻo cổ điển – một đứa trẻ có lẽ đã được bố mẹ nó hiến tế.

Muti trong tiếng Zulu ở Nam Phi là chữ viết tắt của “medicine” (y thuật), là một hình thức phù thủy rất thịnh hành ở vùng tiểu sa mạc Sahara. Một vụ giết người cắt xác có thể là biểu hiện của kiểu chữa vết thương đặc biệt truyền thống của người Phi, hay còn gọi là cắt xác để tế thần. Các pháp sư (còn gọi là sangoma) thường hiến tế các con vật như gà, dê, bò, nhưng không loại trừ việc giết người để tế lễ và chữa bệnh. Một số sangoma còn làm thuốc từ những bộ phận cơ thể của người chết.

Cách đây chưa đầy một thập kỷ ở Nam Phi, gần 300 vụ giết người một năm được quy cho y thuật Muti. Năm 2003, sáu người đã bị cảnh sát bắt ở gần khu Bloemfontein, Nam Phi, sau khi người ta nhìn thấy bọn chúng đang tìm cách bán những phần cơ thể người (đầu, bàn tay, quả tim, bàn chân, bộ phận sinh dục và lá gan) của một thanh niên 20 tuổi. Đây chỉ là một trong nhiều vụ án mạng cực kỳ khủng khiếp trong năm 2002 và 2003 ở Nam Phi.

Ở Nam Phi, những vụ giết người cắt xác diễn ra nhiều đến mức mà Interpol đã phải thành lập lực lượng chuyên trách điều tra. Người đứng đầu lực lượng đặc vụ này, ông Gerard Labusschagne nói rằng, mặc dù vài trăm vụ giết người cắt xác được điều tra mỗi năm nhưng hầu hết những vụ giết người kiểu này không bị tố giác.
Nhưng không phải tất cả các thuốc Muti và kiểu hành nghề Muti đều gây ra cái chết và sự đau đớn. Các sangoma thường liên quan đến mọi vấn đề trong cuộc sống như là những người trung gian hòa giải để phân xử bất đồng tranh chấp giữa các bên. Họ cũng được mời tới để “hàn gắn” những tâm hồn, những trái tim đã bị rạn vỡ. Nghiên cứu đã cho thấy rằng, hơn 80% dân cư Nam Phi từng tham khảo ý kiến của các sangoma, đôi khi tới 3 lần trong một năm.

Với vai trò như vậy, sangoma có thể được xem là rất quan trọng đối vơi việc duy trì trật tự trong một cộng đồng. Gần 300.000 sangoma đang hành nghề ở châu Phi đã công khai phản đối bất kỳ một loại ma thuật đen tối nào. Hầu hết các sangoma hành nghề y cổ truyền đều sử dụng thảo mộc như rễ, vỏ cây và hoa để làm thuốc. Do đó, thuật Muti có thể được xem là một kiểu chữa lành vết thương sử dụng cây cỏ và hành nghề y thuật Muti đơn giản là việc cân bằng các yếu tố siêu nhiên với các chứng bệnh về thể xác. Đối với những pháp sư hành nghề y thuật Muti thích phiêu lưu mạo hiểm, họ có thể sử dụng các sản phẩm chế từ động vật, như rắn Vipe khô, mỡ cá sấu hoặc các chất độc dược làm từ các bộ phận của voi, sư tử hay linh cẩu.

Với những hình thức như vậy, Muti nói chung không có hại. Nhưng một khi nó mở rộng ra tới việc sử dụng các phần của cơ thể con người để chữa vết thương hoặc ban phát các quyền năng đặc biệt với bệnh nhân thì chắc chắn nó chỉ có thể được mô tả là ác quỷ!Bạch Đàn (Theo Religionnews)

Đón xem kỳ tới: Giết người kiểu Muti

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN