Ngày 29/9/1982, bé gái Mary Kellerman, 12 tuổi, sống tại làng Elk Grove, bang Illinois, thức dậy từ sớm mò sang phòng ngủ của bố mẹ. Cô bé thấy mệt, kêu đau họng và sổ mũi. Bố mẹ Mary cho con gái uống một viên Extra-Strength Tylenol để giảm các triệu chứng cảm. 7 giờ sáng, họ phát hiện Mary nằm trên sàn nhà tắm. Cô bé được đưa ngay tới bệnh viện, nhưng chỉ ít phút sau đã qua đời. Ban đầu các bác sĩ cho rằng Mary tử vong vì bị đột quỵ, nhưng các bằng chứng sau đó đã dẫn tới một nguyên nhân khủng khiếp hơn.
Tylenol Extra Strength từng là loại thuốc cảm phổ biến nhất tại Mỹ. |
Cùng ngày hôm đó, đội cấp cứu được gọi tới ngôi nhà trên phố Arlington Heights của nhân viên bưu điện 27 tuổi Adam Janus. Khi tới nơi, họ phát hiện anh đã nằm sõng soài trên sàn nhà. Adam thở dốc, huyết áp tụt xuống mức nguy hiểm trong khi đồng tử đã giãn và bất động. Các nhân viên y tế đưa Adam Janus tới phòng cấp cứu bệnh viện Northwest Community, cố gắng hồi tỉnh bệnh nhân nhưng đã quá muộn. Adam tử vong rất nhanh sau khi tới bệnh viện. Cái chết của anh được cho là do một cơn đau tim nặng nề. Chỉ sau đó, các bác sĩ mới biết cái chết của bệnh nhân không xảy đến tự nhiên.
Vào đêm hôm xảy ra cái chết của Adam Janus, người thân trong gia đình đã tập trung tại nhà anh để chuẩn bị cho tang lễ. Cả em trai Adam là Stanley, 25 tuổi, và em dâu Theresa, 19 tuổi, đều bị những cơn đau đầu hành hạ do đau buồn khi mất người thân. Tìm thấy trong bếp nhà Adam một lọ Extra Strength Tylenol, Stanley uống luôn một viên để giảm đau đầu rồi đưa cho vợ một viên.
Sau khi uống thuốc, cả Stanley và Theresa ngã lăn ra sàn nhà. Trong cơn choáng váng chồng chất, gia đình ngay lập tức gọi cấp cứu. Một lần nữa, các nhân viên y tế lại cấp tốc đến nhà Adam Janus và tìm cách hồi phục đôi vợ chồng trẻ. Nhưng Stanley tử vong ngay hôm đó, còn vợ anh thì qua đời hai ngày sau.
Bác sĩ Thomas Kim ở Bệnh viện Northwest Community bắt đầu nghi ngờ sau cái chết của ba thành viên trong cùng gia đình. Ban đầu mọi nghi ngờ tập trung vào giả thuyết khí độc có thể gây ra cái chết của Adam, Stanley và Theresa. Tuy nhiêu, sau khi hội chẩn với bác sĩ John B. Sullivan ở Trung tâm nhiễm độc Rocky Mountain, họ xác định thủ phạm là chất độc xyanua (cyanide).
Các mẫu máu của nạn nhân được gửi đi xét nghiệm. Trong khoảng thời gian đó, hai lính cứu hỏa tại một nơi khác ở ngoại ô Chicago đã trò chuyện về bốn cái chết kỳ lạ vừa xảy ra tại khu vực. Anh lính cứu hỏa Philip Cappitelli ở khu Arlington Heights nói chuyện với bạn của mình là Richard Keyworth, thuộc trạm cứu hỏa Elk Grove, về việc Mary Kellerman đã uống thuốc Tylenol trước khi qua đời. Keyworth đoán rằng tất cả những cái chết đó có thể liên quan tới loại thuốc này.
Sau khi nghe phán đoán của bạn, Cappitelli gọi cho đội cấp cứu làm việc tại gia đình Janus và hỏi xem các nạn nhân tại đây có uống Tylenol hay không. Hai chàng lính cứu hỏa kinh ngạc khi biết rằng, cả ba thành viên gia đình Janus đều uống loại thuốc cảm có tác dụng giảm đau hạ sốt rất phổ biến này. Cảnh sát ngay lập tức được cử tới nhà Kellerman và Janus để thu hồi những lọ thuốc đáng ngờ.
Ngày tiếp theo, những linh cảm của Keyworth, Sullivan và Kim đều được xác nhận. Chuyên gia về độc tố của hạt Cook, Michael Shaffer, đã kiểm tra các viên thuốc con nhộng và phát hiện chúng chứa gần 65 miligram chất độc xyanua chết người - cao hơn 10.000 lần so với liều đủ để giết chết một người tầm vóc trung bình. Hơn nữa, mẫu máu của tất cả các nạn nhân đều cho thấy họ chết do nhiễm độc.
Nhà sản xuất của Extra Strength Tylenol, McNeil Consumer Products, một công ty con của Tập đoàn Johnson&Johnson, ngay lập tức được thông báo về những trường hợp tử vong. Tháng 10/1982, công ty này đã bắt đầu chiến dịch khổng lồ thu hồi sản phẩm của mình, đồng thời cảnh báo các bác sĩ, bệnh viện và những người bán buôn về mối nguy hiểm tiềm tàng từ các lọ thuốc cảm.
Tuy vậy, khi đó đã là quá muộn, thêm ba nạn nhân khác tử vong vì những viên thuốc Tylenol. Mary Reiner, 27 tuổi, ở Winfield, bang Illinois, đang hồi phục sau khi sinh con trai, cũng đã dùng phải những viên Tylenol tẩm xyanua. Cô tử vong rất nhanh sau đó.
Paula Prince, một tiếp viên hàng không 35 tuổi của hãng United Airlines, cũng bị phát hiện đã chết tại căn hộ riêng ở ngoại ô Chicago và những viên Tylenol chứa xyanua được tìm thấy trong nhà cô.
Nạn nhân thứ bảy được ghi nhận của vụ đầu độc Tylenol là Mary McFarland, 35 tuổi, sống ở Elmhurst, bang Illinois.
Rất nhanh sau khi báo chí đưa tin về những cái chết do thuốc Tylenol, nỗi sợ hãi lan ra khắp nước Mỹ, đặc biệt là ở Chicago và các vùng ngoại ô lân cận. Hằng ngày, xe cảnh sát tỏa đi khắp thành phố, với loa phóng thanh cảnh báo người dân về hiểm họa từ thuốc cảm Tylenol. Hầu như mọi người dân trên khắp nước Mỹ đều đổ về nhà lục tung những lọ thuốc Tylenol trong tủ thuốc nhà mình để xem dấu hiệu nghi ngờ. Đường dây điện thoại đến các bệnh viện ở Chicago liên tục quá tải vì những cuộc gọi lo ngại về Tylenol và nguy cơ bị đầu độc.
Nỗi hoảng sợ trên khắp đất nước lớn đến mức Giám đốc Trung tâm kiểm soát độc thành phố Seattle đã phải thông báo với người dân rằng, nếu thực sự bị nhiễm độc xyanua, họ đã chết trước khi có thể gọi điện tới bệnh viện hay cảnh sát.Bạch Đàn
Đón đọc kỳ 2: Sáu cửa hiệu “bị nhồi” xyanua