“Tiền nhiều không thể đếm xuể, chúng tôi phải ước lượng bằng mắt, bằng kích cỡ căn phòng”, Sergei Mavrodi - người sáng lập MMM nhớ lại thời điểm năm 1994 khi nói về quy mô hoạt động của mô hình này. Mô hình kim tự tháp Ponzi (Ponzi scheme) mới chỉ ra đời được có vài năm, nhưng tại thời điểm đó, MMM đã huy động được 15 triệu nhà đầu tư trên toàn nước Nga.
Cổ phiếu và coupon của MMM được lưu thông song hành với đồng ruble nội tệ và cả đồng ngoại tệ, có thể dùng để đổi lấy thực phẩm, hàng hóa. Và ngay cả khi tòa án tuyên phạt Mavrodi vì tội lừa đảo, nhà đầu tư vẫn sẵn lòng ủng hộ nhân vật này vào Điện Kremlin. Thực tế, trong khi ngồi tù, Mavrodi thậm chí đã được bầu làm nghị sĩ.
Người đàn ông đeo kính, bận quần thể thao
Dưới thời Liên Xô trước đây, rất ít người biết Sergei Mavrodi là ai và xuất thân ra sao. Trước khi thành lập mô hình MMM, Mavrodi, một kĩ sư phần mềm tự học, thường bán đài cát-xét lậu cùng các thiết bị văn phòng nhập khẩu (được cho là người đầu tiên đưa được máy tính cá nhân vào Liên Xô), người có thú vui sưu tập bướm, nuôi cá cảnh.
“Một người đàn ông nhỏ thó ở tầng đáy nấc thang xã hội với công việc lạ thường, nhưng cũng là người về sau này có ước mơ mạnh bạo và có các công việc kinh doanh phi pháp, vốn là nhân tố giúp ông ta có cuộc sống tốt đẹp hơn so với phần lớn những công dân Liên Xô khác”, tạp chí Forbes (Mỹ) từng viết về Marvodi như vậy.
Trong bộ đồ quần thể thao, áo polo có cổ, Mavrodi trông giống như một giáo viên thể dục hơn là một tay tài chính cỡ bự. Thế nhưng, chính kiểu phong cách dân dã này lại là “chìa khóa” giúp Mavrodi thành công trong việc lôi kéo, buộc mọi người móc hầu bao. Công ty “Hợp tác MMM”, sau phát triển thành mô hình kim tự tháp Ponzi khổng lồ, được thành lập tại Moskva vào năm 1989.
Tên của công ty được đặt theo chữ cái đầu tiên trong tên của 3 nhà sáng lập: Sergei Mavrodi, em trai Vyacheslav Mavrody và anh rể Olga Melnikova. Tuy nhiên, Vyacheslav và Olga chỉ tồn tại trên danh nghĩa, cho đủ thủ tục để đăng ký thành lập công ty - Mavrodi cho biết.
Lúc đầu, MMM không dính gì đến tài chính, nhưng nhanh chóng nổi tiếng: Chuyên bán các thiết bị công nghệ nhập khẩu tại thời điểm đó. Công việc kinh doanh phát tài đến mức, trong một chiến dịch đánh bóng tên tuổi năm 1991, Mavrodi tặng mỗi người dân Moskva một vé tàu điện ngầm trong ngày. Hai năm sau, ông có bài phát biểu chúc mừng năm mới trên Truyền hình Nga trước toàn dân - một sự kiện thường chỉ tổng thống đảm nhận.
Vậy nên khi Mavrodi phát hành cổ phiếu công ty liên doanh MMM để bán ra cho công chúng vào ngày 1/2/1994, Mavrodi đã quá nổi tiếng, được rất nhiều người biết tới. Một cổ phiếu lúc đó được bán với giá 1.000 ruble (tương đương 0,65 USD tại thời điểm đó). Giá mua bán cổ phiếu tăng liên tục, dựa trên nguyên tắc “ngày hôm nay sẽ luôn cao hơn ngày hôm qua”. Mavrodi tự đặt ra mức giá cổ phiếu và thường chẳng có căn cứ vào tài sản bảo đảm nào.
Hình thức này thành công chỉ sau một thời gian rất ngắn. “Không có bất kỳ nghi ngờ gì trong các khẩu hiệu quảng cáo của MMM. Công ty cam kết với cổ đông sẽ mua lại cổ phiếu tức thì nếu họ có nhu cầu bán. Tiền trả cho người tham gia trong mô hình Ponzi lấy từ số nhà đầu tư mới gia nhập. Đến tháng 7/1994, cổ phiếu MMM đã đạt mức giá 125.000 ruble/cổ phiếu (81 USD/cổ phiếu).
“Mavrodi cho người ta hy vọng, ông ấy như là ánh sáng dẫn đường đối với họ. Tại thời điểm đó, chúng tôi đều sống khá chật vật và rồi cơ hội bất chợt đến”, diễn viên Lyonya Golubkov (tên thật là Vladimir Permyakov), gương mặt đại diện cho chiến dịch quảng bá của MMM chia sẻ.
Người khởi động chiến dịch chống “nô lệ” kinh tế
Rạn nứt giữa MMM với chính quyền cũng nhanh chóng xuất hiện. Movrodi tuyên bố công ty MMM chiếm khoảng 1/3 tổng ngân sách nhà nước. Ông biện minh cho hành động của mình không phải xuất phát từ ham muốn làm giàu cá nhân, mà là từ ước vọng “can thiệp chấm dứt nạn cướp bóc tài sản của đất nước”.
Ông cho biết muốn được dùng số tiền thu được từ các nhà đầu tư để mua lại tài sản nhà nước được rao bán, giúp tài sản này được chuyển vào tay nhân dân, chứ không phải giới tài phiệt. “Người dân đã trở thành nô lệ kinh tế của giới tài phiệt và họ bị bỏ mặc với mức lương hưu 100 USD”, Mavrodi thường nói.
Khi cổ phiếu MMM đã bán hết, Mavrodi yêu cầu được phát hành bổ sung, nhưng Bộ Tài chính Nga không chấp nhận. Ông chủ MMM lập tức cho phát hành “coupon MMM”, có hình thức giống đồng 10 ruble, nhưng thay vì in hình chân dung lãnh tụ Lê-nin, coupon này in hình Mavrodi. Coupon MMM không phải là chứng khoán, nó chỉ là một mẩu giấy lộn, mức giá không dựa trên điều gì ngoài hứa hẹn của Mavrodi về giá trị của nó. Do đó, tất cả chỉ là ảo tưởng lớn.
Tham gia chạy đua ghế nghị sĩ
Phải mất nhiều thời gian Mavrodi mới bị đưa ra xét xử. Cáo buộc đầu tiên xuất hiện vào tháng 8/1994, không phải vì gian lận, mà là trốn thuế. “Thuế nào? Nếu chính quyền khẳng định đây là mô hình kim tự tháp, liệu điều này đồng nghĩa tôi không đưa cổ phiếu cho họ? Họ mất trí hay sao?”, người sáng lập MMM cự cãi sau đó.
Morvodi bị bắt. Nhưng trong thời gian giam giữ và điều tra, ông này tìm cách đăng ký làm ứng cử viên tranh cử chức nghị sĩ tại Hạ viện và thành công. Đơn giản là những nhà đầu tư tham gia vào mô hình kim tự tháp Ponzi muốn thu về số tiền đã bỏ vào MMM và họ chủ động bầu cho Morvodi.
Nhờ vậy, Mavrodi được quyền miễn trừ dành cho nghị sĩ và từ nhà giam vào thẳng quốc hội. Nhưng nhân vật này không xuất hiện tại các phiên họp quốc hội và 1 năm sau thì bị tước quyền nghị sĩ. Mavrodi biến mất.
Cuộc điều tra về MMM được mở lại, tên của Mavrodi nằm trong danh sách truy nã quốc tế. Người sáng lập MMM bị bắt giữ vào tháng 1/2003 khi đang trốn trong một căn hộ đi thuê ở Moskva. Đến tháng 4/2007, tòa án ở Moskva tuyên phạt Mavrodi 4 năm rưỡi tù giam, đồng nghĩa với việc ông này gần như được trả tự do ngay sau đó, tính cả quãng thời gian từ khi bắt giam đến khi xét xử.
Nhà xuất khẩu mô hình tháp Ponzi
Tiền của nhà đầu tư mất trắng. Khả năng lớn nhất là Mavrodi đã chuyển tiền qua các công ty con đặt ở hải ngoại. Sau phiên tòa, trùm lừa đảo này tiếp tục phát triển mô hình kim tự tháp, tập trung xuất khẩu ra ngoài nước Nga.
Đầu năm 2017, website của công ty MMM ở Nigeria còn phổ biến hơn cả mạng Facebook. Năm 2011, Mavrodi viết thư cho Julian Assange, nêu đề xuất cùng tham gia vào lực lượng “trong cuộc chiến chống lại bè lũ lừa đảo tài chính đạo đức giả toàn cầu”.
Đã có 50 người tự tử sau khi mô hình đa cấp tài chính MMM sụp đổ, mà nguyên nhân là do họ nhận thấy không thể lấy lại được gì. Nhưng Mavrodi vẫn không hề tỏ ra hối lỗi. “Mọi người nói với tôi rằng họ bị lừa và không biết mình đang làm gì. Nhưng họ đều là những người trưởng thành rồi, tinh thần hoàn toàn tỉnh táo” - đó là phản ứng của Movrodi.
Movrodi đột tử vào tháng 3/2018 sau một cơn đau tim ở tuổi 62. Một cựu nhân viên của trùm lừa đảo này cho biết, không một ai trong số họ hàng muốn nhận thi thể của Movrodi. Người em trai cũng từ chối chôn Mavrodi cạnh mộ ba mẹ ông. Cuối cùng, chính những nhà đầu tư vào MMM đứng ra trả tiền mai táng Mavrodi.