Nhiều chuyên gia đã chứng kiến những đường đi kỳ cục của viên đạn, khi họ theo dấu nó từ lúc đi vào cơ thể nạn nhân cho đến khi đi ra (nếu có). Một trong những trường hợp khó lý giải nhất là đường đạn trong cơ thể Tổng thống Mỹ John F. Kennedy.
Tổng thống John Kennedy cùng phu nhân và vợ chồng Thống đốc bang Texas trên chiếc xe mui trần trước khi bị bắn. |
Vẫn có những đường đi bất thường của viên đạn bắn ra, và nhận thức này ảnh hưởng tới nghiên cứu về đường đạn cũng như phân tích vết máu. Trong một vụ án ở Oklahoma, một tên cướp ngân hàng đã dí khẩu Magnum 357 vào sau đầu một nữ nhân chứng và nổ súng. Viên đạn đi vào hộp sọ nạn nhân, bẻ quặt, đi vòng bên trong đầu rồi bắn ra phía trước trán. Nạn nhân bất tỉnh nhưng sau được cứu sống và ra làm chứng trước tòa. Trong một vụ khác, một viên đạn 2,2 ly đã đi xuyên vào động mạch ở cổ tay, một vết thương không nguy hại, nhưng sau đó lại đi ngược một cách khó hiểu lên cánh tay và xuyên thẳng vào tim, giết chết nạn nhân.
Khi gặp những trường hợp bị thương do trúng đạn, các nhà nghiên cứu đạn đạo học phải xác định vị trí viên đạn đi vào cơ thể và nếu có thì cả nơi nó đi ra. Thường thì trên các mô của cơ thể rất khó để biết đâu là vết thương của chỗ đạn vào và đâu là chỗ đạn ra, nhưng vẫn có một số dấu hiệu phát lộ. Những lỗ đạn vào thường có bờ rất rõ. Nếu họng súng không chạm vào quần áo, lỗ đạn ở hầu hết các vật liệu sẽ nhỏ hơn viên đạn. Cũng có thể có sự xuất hiện của bột thuốc súng nếu khẩu súng bắn ở khoảng cách đủ gần.
Tất nhiên, không phải mọi viên đạn đều đi ra. Chúng có thể không có đủ lực để đi qua cơ thể hoặc bị xương cản lại, cũng có thể chúng đi đường vòng theo những cách không thể đoán trước.
Một mật vụ nhảy lên xe Tổng thống Kennedy khi nghe tiếng súng. |
Chuyên gia giám định y khoa New York, Michael Baden, từng làm việc cho Ủy ban về các vụ ám sát của quốc hội Mỹ năm 1977, đã tuyển 8 chuyên gia làm trợ lý khi họ được giao nhiệm vụ xem xét lại các giám định pháp y trong vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy ngày 22/11/1963. Một mục tiêu được đặt ra với nhóm là phải loại bỏ những giả thuyết trái ngược rằng, nhiều tay súng đã bắn Tổng thống chứ không phải duy nhất người mà cảnh sát đã nhanh chóng bắt giữ là Lee Harvey Oswald.
Tổng thống Kennedy bị bắn tại Dallas, bang Texas, trong khi đang ngồi cùng đệ nhất phu nhân Jacqueline ở băng ghế sau của chiếc xe mui trần giữa đám đông người ủng hộ. Một viên đạn từ kẻ ám sát cũng làm bị thương Thống đốc bang Texas, John Connally, ngồi trên ghế trước. Tổng thống đang hấp hối được đưa thẳng tới bệnh viện Parkland ở Dallas và 1 giờ 30 phút sau được tuyên bố đã qua đời. Nhưng sau đó, FBI đã chuyển trái phép thi thể ông tới bệnh viện hải quân Bethesda tại Oasinhtơn D.C (trái với luật bang Texas).
Nhưng ông Baden sau này đã phát hiện ra rằng, không một bác sĩ nào tại đây được đào tạo về đạn đạo học pháp y, vì vậy họ không biết làm cách nào để xác định đường đạn trong cơ thể nạn nhân. Ngoài ra, Ủy ban Warren, được thành lập năm 1964 nhằm xua tan những tin đồn về các âm mưu liên quan đến vụ ám sát, cũng không phỏng vấn các nhà đạn đạo học có kinh nghiệm.
Khi nhóm của ông Baden xem xét kỹ hơn vụ việc, ông đã mô tả đây là một “thảm họa pháp y”. Baden cho rằng, nếu thủ tục khám nghiệm tử thi được tiến hành đúng đắn, nhiều giả thuyết về các âm mưu đã không bao giờ xuất hiện.
Hóa ra, ông James J. Humes, nhà đạn đạo học tiến hành khám nghiệm tử thi tổng thống, đã được chỉ đạo là không tiến hành một cuộc khám nghiệm đầy đủ, mà chỉ cần tìm ra viên đạn, khi đó được cho là vẫn mắc kẹt trong cơ thể nạn nhân. Nhưng dù cố gắng, Humes đã không thể tìm ra nó. Trong báo cáo sau đó của Humes, không có những mô tả y khoa và ông chủ yếu dựa trên những bức ảnh, với chất lượng rất tệ được chụp bởi một tay thợ ảnh thiếu kinh nghiệm. Humes thậm chí còn không lật xác Tổng thống để xem xét vết thương ở sau gáy, cũng không gọi điện cho bệnh viện tiếp nhận ở Dallas cho đến khi quá muộn mới phát hiện rằng, một ca phẫu thuật mở khí quản đã được tiến hành tại bệnh viện. Vị trí mở khí quản nằm ngay vết thương lối ra của viên đạn ở cổ họng, khiến Humes nhầm lẫn khi cho rằng, viên đạn đã đi ra ngoài đúng chỗ mà nó đi vào.
Ông ta cũng không cạo tóc ở xung quanh vết thương trên đầu để quan sát rõ, và vết thương được chụp ảnh khi những sợi tóc lòa xòa vướng vào. Chưa hết, Humes đã ước lượng sai vị trí của vết thương với sai số lên tới gần 10 cm. Với tất cả những lỗi đó, không thể đưa ra những kết luận chính xác về các đường đạn.
Chỉ sau 2 giờ (một khoảng thời gian quá ngắn cho khám nghiệm tử thi, nhất là trong một vụ đặc biệt nghiêm trọng như vậy), Humes đã chuẩn bị cho thủ tục ướp xác. Khi đó, do những ghi chép bị dính máu, Humes đã đốt chúng và sau khi phát hiện về những thủ tục đã được tiến hành tại Dallas, ông ta mới viết lại dựa trên những gì nhớ lại và suy luận được. Báo cáo của Humes mắc nhiều lỗi, gây bất lợi nghiêm trọng cho nhóm của Baden.
Họ đã xem xét những bức ảnh không rõ ràng, chụp hiện trường tội ác và quá trình khám nghiệm tử thi, quần áo của Tổng thống, các báo cáo khám nghiệm tử thi và phim X - quang. Baden nhanh chóng nhận ra, những người chịu trách nhiệm đã không nhận thấy sự khác biệt giữa một vết thương ở lối vào và lối ra của viên đạn, và do đó họ không thể chỉ ra đường đi của chúng hay xác định có bao nhiêu phát đạn đã được bắn.
Nhà đạn đạo học này cũng nhận thấy rằng, não của Kennedy đã biến mất, cùng với những vạt mô, vì vậy họ phải lệ thuộc vào quần áo. Nhóm đã tìm cách ghép nối thực tế là hai viên đạn đã trúng Tổng thống. Có một lỗ nhỏ trên lưng áo sơ mi và áo khoác của nạn nhân, và những lỗ ra nhỏ xuyên qua cổ áo sơ mi và cà vạt. Đó là viên đạn đã xuyên qua cổ họng Tổng thống và bắn vào Thống đốc Connally. Nó đã rơi ra khỏi chân của ông Connally khi nạn nhân đang nằm trên cáng tới bệnh viện. Viên đạn còn lại đã xuyên qua sau đầu của Kennedy và ra ngoài ở trên mắt phải của ông, đập vào kính chắn gió, rơi xuống sàn. Cả hai đều đến từ phía sau - một kết luận phản bác lại quan điểm cho rằng, một viên đạn đã bắn vào Tổng thống từ phía trước.
Bạch Đàn
Đón đọc kỳ cuối: Sự khác biệt giữa sự sống và cái chết