Cuối tháng 4/1947, Giuliano nhận được một lá thư gửi đến cho mình. Sau khi đọc xong, y tập hợp các thành viên trong băng và tuyên bố rằng họ sắp sửa tiến hành một chiến dịch để cho những người Cộng sản biết rằng không có tương lai nào đón đợi họ trong đời sống chính trị ở Sicily. Mặc dù phong trào ly khai không có bước phát triển gì mới, nhất là kể từ khi mafia rút lui khỏi phong trào, nhưng Giuliano vẫn mong muốn có ngày Sicily sẽ trở thành một bang của nước Mỹ.
Salvatore Giuliano sau khi bị bắn chết. |
Người ta không biết được nội dung lá thư đó nói gì và do ai gửi đến bởi Giuliano đã hủy nó ngay sau khi đọc xong. Mọi người phỏng đoán rằng lá thư là của Bộ trưởng An ninh Italia, với chỉ thị phá hỏng lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động của Đảng Cộng sản Italia. Nếu phỏng đoán này là đúng, Giuliano đã trở thành con tốt trong một chiến dịch làm tổn hại nghiêm trọng đến thanh danh là người bảo vệ cho những người bị áp bức.
Tại một thung lũng nằm giữa ba làng - Portella della Ginestra - dân làng tụ tập để tham dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động do Đảng Cộng sản tổ chức. Mọi việc được chuẩn bị hết sức chu đáo với khẩu hiệu, cờ hoa, những chiếc xe ngựa trang hoàng rực rỡ cho một buổi diễu hành và các bài phát biểu của những nhà lãnh đạo.
Khi người dân kéo đến đông đủ, buổi lễ sắp được bắt đầu thì người ta nghe thấy những tiếng nổ phát ra từ vùng đồi núi bao quanh. 17 người chết và trên 30 người khác bị thương. Trong số các nạn nhân có cả trẻ em. Đó là một vụ tàn sát thường dân vô tội. Hậu quả thảm khốc của vụ thảm sát khiến Giuliano bị lên án mạnh mẽ.
Bí ẩn xoay quanh vụ thảm sát ở Portella della Ginestra vẫn còn đó. Ai là người đã gửi lá thư đó? Nội dung của nó là gì? Xa hơn nữa là mafia nắm giữ vai trò gì trong vụ này? Liệu Giuliano là do chính quyền liên bang hay thế giới ngầm dựng lên? Nếu sự thật là như thế, ông vua của núi rừng, “Robin Hood ở xứ Sicily” có thể mất hết thể diện không? Việc lấy lời khai của những người có liên quan đã hé lộ một phần sự thật rằng, vụ thảm sát này không phải do băng nhóm của Giuliano tiến hành, mà do có bàn tay của các thế lực chính trị đen tối.
Bức ảnh cuối cùng được biết đến của các tên cướp Gaspare Pisciotta (trái) và Salvatore Giuliano (giữa) chụp năm 1949. |
Đến cuối năm 1949, Giuliano phải chuyển sang thế thủ. Một số thành viên quan trọng bị giết chết hoặc bị bắt giam. Chính quyền trung ương ở Italia đã thành lập một lực lượng đặc biệt để bắt sống hoặc giết chết y. Đây là lực lượng tinh nhuệ hơn lực lượng cảnh sát thông thường. Thay vì thành lập những đội cảnh sát có số lượng đông, lực lượng đặc nhiệm này chia ra thành những tổ vài ba người, giống như phương pháp mà Giuliano vẫn thường áp dụng trong băng nhóm của mình.
Giống như tất cả các chiến thuật khôn ngoan khác, việc thành bại của kế hoạch này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thông tin nội gián. Không kẻ nào gần gũi hơn với Giuliano, hay được y tin cậy hơn bằng Gaspare Pissicota. Nếu viên đại tá chỉ huy lực lượng đặc nhiệm thuyết phục được Pisciotta phản bội Giuliano thì coi như sứ mệnh của họ đã hoàn thành.
Trong nhiều tháng, mọi người đã giục Giuliano chạy ra nước ngoài. Thậm chí một tay đội trưởng cảnh sát đã giục y trốn sang Tuynidi để từ đó y có thể sang Mỹ. Đến cuối năm 1949 và đầu năm 1950, Giuliano quyết định đã đến lúc phải rời khỏi Sicily. Cách căn cứ của y trong vùng rừng núi bao quanh ngôi làng Montelepre khoảng 96 km là thị trấn Castelvetrano, sát với bờ biển phía nam. Ở đó, từ một sân bay nhỏ bé không mấy người để ý, Giuliano có thể rời Sicily bằng đường không. Giuliano vài lần bí mật đến Castelvetrano để thăm dò tình hình. Y sử dụng ngôi nhà của một luật sư trẻ làm nơi hoạch định kế hoạch và chỉ đạo mọi hoạt động chuẩn bị cho cuộc chạy trốn ra nước ngoài.
Dường như Giuliano mong muốn người thuộc hạ mà y tin cậy nhất, Pisciotta, cùng đi nên đã hẹn gặp Pisciotta tại nhà của người luật sư và cùng ra sân bay. Vào hôm 4/7, khi Giuliano đang chờ Pisciotta xuất hiện, y nhận được tin xấu do viên đội trưởng cảnh sát cung cấp. Pisciotta đã phản bội y và bí mật gặp gỡ các chỉ huy của lực lượng đặc nhiệm đang săn lùng Giuliano. Khi Pisciotta đến, Giuliano liền chất vấn hắn. Hai người to tiếng với nhau. Thế rồi, Pisciotta cũng thuyết phục được Giuliano tin rằng hắn vẫn là kẻ trung thành và nguồn tin báo về sự phản bội của Pisciotta là sai sự thật.
Cả hai cùng đi ngủ. Và đó cũng là thời khắc kết thúc cuộc đời của Giuliano.
Theo lời khai của Pisciotta tại phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến cuộc thảm sát Portella della Ginestra được tổ chức sau đó vài tháng, Pisciotta đã bắn chết Giuliano trong lúc y đang ngủ. Sau đó, hắn và người luật sư chủ nhà mặc quần áo cho Giuliano và khiêng y ra ngoài sân. Viên đội trưởng đặc nhiệm xuất hiện, dựng lại hiện trường, kê khẩu súng máy gần thi thể Giuliano và bắn thêm vài viên đạn. Ngay sau đó, đại tá chỉ huy lực lượng đặc nhiệm có mặt tại hiện trường. Hai người báo cáo rằng Giuliano bị chết trong một vụ đọ súng với những người lính của lực lượng đặc nhiệm.
Chẳng bao lâu sau, cánh phóng viên và các tay săn ảnh kéo đến kín cả sân. Một tấm ảnh chụp Giuliano trong tư thế úp sấp mặt, cánh tay phải giang ra, mặc quần, áo sơ mi màu trắng và đi dép, một khẩu súng máy nằm cách tay phải chừng vài chục xăngtimét.
Thi thể của Salvatore Giuliano để ở sân trong vài giờ để dân chúng được chứng kiến. Mẹ của y được đưa đến để nhận dạng con trai khi thi thể y được đưa đến nhà xác. Người ta phải xếp đá xung quanh để bảo quản thi thể Giuliano bởi thời tiết trong tháng 7 là khá nắng nóng.
Hai tuần trôi qua. Hàng ngày đám người tò mò tiếp tục kéo đến nhà xác để chứng kiến tận mắt việc Giuliano đã chết như thế nào. Cuối cùng, vào chiều 19/7/1950, thi thể Giuliano được an táng tại một hầm mộ ở nghĩa địa của làng Montelepre. Không một hồi chuông nào được rung lên khi tiễn đưa linh hồn y về với cõi vĩnh hằng. Chỉ có 7 thành viên trong gia đình và cảnh sát có mặt tại đám tang. Tất cả những người khác bị cấm không được tham dự. Tấm bia đá chỉ đề dòng chữ đơn giản “Salvatore Giuliano, 1922 - 1950”.
Khánh Chi (Tổng hợp)