Sau khi người ta phát hiện vàng vào năm 1886, Tổng thống Transvaal Paul Kruger thay vì hoan hỉ đã nói với người dân nước ông rằng "đúng hơn là các bạn nên buồn, vì chính vàng sẽ nhấn chìm đất nước chúng ta trong bể máu". Lường trước được tương lai, Tổng thống Kruger đã tái vũ trang cho đất nước mình.
Tổng thống Transvaal Paul Kruger. |
Những mỏ vàng khổng lồ đã làm tăng thu nhập hàng năm của Transvaal từ 200.000 bảng năm 1886 lên 4 triệu bảng năm 1899. Nguồn thu dồi dào này được sử dụng để mua loại súng trường cao cấp Mauser và pháo Krupp của người Đức. Như vậy, đội quân nông dân của Transvaal đã ý thức được thực tế rằng họ đang đứng ở mảnh đất mà một bộ trưởng của Anh gọi là "khu vực giàu có nhất trên Trái Đất", và khi kẻ thù đến để cướp đoạt mảnh đất ấy từ tay họ thì họ đã sẵn sàng tái vũ trang để tiến hành một cuộc chiến tranh hiện đại dựa trên hỏa lực nhanh, chính xác và có tầm bắn xa.
Ngày 9/10/1899, Tổng thống Kruger ra tối hậu thư yêu cầu Anh rút quân khỏi các đường biên giới của người Boer và triệu hồi lực lượng tăng viện mới đến Nam Phi. Khi tối hậu thư hết hạn sau 48 tiếng đồng hồ, người Boer bắt đầu tấn công.
Bộ binh Highland hành quân đến dãy Kopjes. |
Dưới sự chỉ huy chung của tướng Piet Cronje, người Transvaal và người Free State đã bao vây thị trấn nhỏ Mafeking vào ngày 13/10 và Kimberley, thị trấn khai thác kim cương có tầm quan trọng hơn nhiều, vào ngày 15/10. Nhưng mục tiêu chính của họ là xâm lược toàn diện Natal, nhằm đánh lấn xuống cảng Durban, chiếm giữ cảng này trước khi các các lực lượng hùng mạnh của Anh có thể đặt chân đến, và từ đó thuyết phục chính quyền đế quốc từ bỏ nỗ lực chèn ép các nước cộng hòa Boer.
Tối hậu thư của Kruger đôi khi được xem như một đạo luật xâm lược. Nhưng điều đó chẳng có nghĩa lý gì khi chính người Anh mới là những kẻ xâm lược. Họ đang tập trung các lực lượng cho cuộc quyết chiến, và Kruger, cũng giống như người đồng cấp của ông ở Free State là Marthynus Steyn, hiểu quá rõ điều này. Trước đó bốn năm, ông trùm Cecil Rhodes từng âm mưu tiến hành một cuộc đảo chính của người Uitlander, được gọi là "Cuộc đột kích Jameson", với sự tiếp tay của một số quan chức cấp cao trong chính phủ Anh. Thất bại của cuộc chính biến này càng khiến những vai chính của màn kịch nung nấu một âm mưu nguy hiểm hơn. Hai tuần trước khi Kruger ra tối hậu thư, vẫn chính phủ nói trên của Anh đã chấp thuận đề nghị của tướng Milner gửi một lực lượng chi viện đáng kể.
Kruger đã phát động cuộc tấn công phủ đầu nhằm bảo toàn nền độc lập của đất nước mình. Kế hoạch của ông là huy động tất cả 50.000 dân thành thị - 30.000 người Transvaal và 20.000 người Orange Free State - và đè bẹp 14.750 quân chính quy Anh đang đóng ở Nam Phi trước khi quân tăng viện đến.
Trong trường hợp đó, lực lượng xâm lược phía đông đã từ bỏ cuộc tấn công chiến lược để vây hãm Ladysmith, nơi phần lớn các lực lượng Anh đóng ở Natal dồn về. Điều này có nghĩa là khi lực lượng tác chiến chủ lực của Anh đến, gồm 47.000 quân dưới sự chỉ huy của tướng Redvers Buller, thì một đợt di chuyển ban đầu và những cuộc chiến quy mô nhỏ đã lắng xuống thành ba cuộc vây hãm ở ba vị trí riêng rẽ nằm cách xa biên giới của các nước cộng hòa Boer. Điều này sau đó đã quyết định cục diện của giai đoạn hai của cuộc chiến.
Với khả năng về ba mũi tấn công vào lãnh thổ Boer, tướng Buller có trong tay ba phương án chính: có thể đi theo tuyến đường sắt chạy qua mé phía tây lãnh thổ Boer và tiến đến giải vây cho Kimberley; hoặc có thể đi theo tuyến đường sắt trung tâm chạy qua giữa lãnh thổ Boer, trong đó có hai thủ đô của kẻ thù là Bloemfontein và Prêtôria; hoặc có thể tiến từ Natal để giải vây cho Ladysmith và xâm lược lãnh thổ Boer từ phía đông. Trên thực tế, Buller tiến quân theo cả ba hướng và chính sự chia nhỏ lực lượng này đã khiến quân đội Anh phải trả giá đau đớn.
Ngày 10/12/1899, khoảng 3.000 quân của tướng William Gatacre thất bại trong trận Stormberg ở khu vực miền Trung. Ngày hôm sau, 10.000 quân của tướng Lord Paul Methuen bị đánh tan tác khi tìm cách đột kích các cứ điểm của người Boer ở Magersfontein, cách Kimberley vài dặm về phía nam. Ngày 15/10, với chủ lực 20.000 quân trong tay ở bắc Natal, chính tướng Buller cũng hứng chịu một thất bại không kém phần thê thảm khi tìm cách vượt sông Tugela ở Colenso để đến giải vây cho Ladysmith.
Tuần Đen tối làm 2.500 binh sĩ Anh tử trận và bị thương. Việc tập trung vào một trong ba trận chiến nói trên sẽ cho phép chúng ta phân tích những thất bại về mặt quân sự của người Anh.
Mục tiêu trước mắt của tướng Mathuen ở chiến trường phía tây là giải vây cho Kimberley. Lực lượng 10.000 quân của ông phải đương đầu với 8.000 người Transvaal và Free State dưới sự chỉ huy của tướng Piet Cronje và tướng "Koos" De La Rey. Người Boer đã áp dụng một số chiến thuật nhằm làm trì hoãn bước tiến của Methuen và gây ra những thương vong đáng kể cho đối phương, trong khi họ chỉ phải chịu tổn thất tối thiểu. Và người Boer luôn chủ động đón trước bất cứ đột phá hay bước chuyển hướng nào của người Anh.
Tướng Cronje, tư lệnh cao cấp của người Boer, khá thận trọng và bảo thủ. Ngược lại, tướng De La Rey là một chỉ huy táo bạo và giàu trí tưởng tượng. Chính ông đã vạch ra các chiến thuật mang lại cho người Boer một vị thế quyết đoán hơn ở Magersfontein, nơi một dãy kopjes - những quả đồi thấp - chạy theo hướng tây bắc-đông nam bao quanh con đường dẫn đến Kimberley ngay phía bắc sông Modder.
Methuen không vội. Ông cho lính tráng nghỉ ngơi vài ngày và đợi chi viện đến trước khi phát động một cuộc tấn công mới. Tuy nhiên, Methuen hầu như không có bất cứ động thái nào khác trong thời gian này. Đặc biệt, khả năng do thám của Methuen rất kém. Mặc dù có sẵn cả khinh khí cầu trinh sát và một số đáng kể khinh kỵ, nhưng ông này dường như đã không sử dụng chúng để xác định chính xác vị trí các công sự của người Boer. Vị chỉ huy này đinh ninh rằng đối phương sẽ triển khai tại các sườn đồi của dãy kopjes.
Với phán đoán đó, chiều chủ nhật ngày 10/12, Methuen ra lệnh nã pháo dồn dập trong vòng 2 tiếng đồng hồ vào các sườn đồi. Tiếng pháo rít tựa hồ âm thanh một đoàn tàu tốc hành mở hết tốc lực lao vút đi. Những quả đạn pháo nổ tung trên các sườn đồi khiến đất đá văng tung tóe kèm vô số những cột khói xanh vàng bốc lên cuồn cuộn.
Huy Lê
Đón đọc kỳ 3: Cơn bão đạn