Reinhard Heydrich là tên tay chân mà Hitler chỉ dùng trong những sứ mệnh nhạy cảm và khó khăn nhất. Dấu vết của Heydrich lưu lại trên mọi khoảnh khắc quan trọng nhất của Đế chế thứ Ba. Với những tội ác tày trời, hắn luôn nằm trong tầm ngắm của quân đồng minh. Và một kế hoạch ám sát Heydrich được lập ra, do hai lính biệt kích người Séc thực thi.
Kỳ 1: Tên đồ tể của Praha
Với vóc người cao lớn, mái tóc vàng và cặp mắt xanh cùng với tính cách lạnh lùng và tàn nhẫn, Heydrich trông giống như một bức tranh biếm họa về một tên trùm phát xít khét tiếng. Một nhà viết sử sau này gọi hắn là “tay chân độc ác nhất của Hitler”, “tên đồ tể của Praha”, còn Heinrich Himmler, tên chỉ huy lừng danh lực lượng vũ trang SS của phát xít Đức, coi hắn là “một mẫu người luôn bị cạnh tranh nhưng có lẽ không ai địch nổi”.
Sinh năm 1904 ở gần thành phố Leipzig, Reinhard Tristan Eugen Heydrich là con trai của một nhà soạn nhạc kiêm ca sĩ opera hạng hai của Đức. Hồi còn trẻ, Heydrich là một nghệ sĩ violon tài năng đồng thời là một vận động viên điền kinh đã từng tham gia nhiều cuộc thi bơi lội và chạy vượt rào. Năm 1922, Heydrich gia nhập lực lượng hải quân Đức và leo được đến quân hàm thiếu úy trước khi bị đuổi khỏi quân đội do vướng vào một vụ xìcăngđan tình ái. Năm 1931, Heinrich Himmler, lúc đó là Trưởng phòng phản gián của lực lượng SS, đã quyết định chiêu nạp Heydrich. Bởi tổ chức SS đang trở nên ngày một quan trọng nên vai trò của Heydrich trong đảng phátxít cũng ngày một tăng. Hắn trở thành cánh tay phải của Himmler, giúp hắn và đảng này trong cuộc tranh giành quyền lực. Năm 1934, Heydrich được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng Gestapo, lực lượng cảnh sát mật đáng sợ nhất của SS.
Tính cách ngạo mạn và thích thể hiện của viên sĩ quan SS hóa ra lại là tật xấu nguy hiểm. Himmler đã không ngần ngại gán cho thuộc cấp cứng đầu của hắn cái tên “Thành Cát Tư Hãn”. Khoác lên mình vẻ bề ngoài của một người đàn ông tận tụy với gia đình, Heydrich cũng là kẻ thích quan hệ tình ái lăng nhăng và thường xuyên lôi đám thuộc cấp đến những bữa chè chén say sưa ở khu vực đèn đỏ của Béclin.
Báo chí Séc đưa tin về việc bổ nhiệm Heydrich. |
Bất chấp mọi thói hư tật xấu, Heydrich sở hữu yếu tố mà sẽ giúp hắn tiến xa ở nước Đức phátxít. Hắn là kẻ được Hitler yêu quý nhất và, giống như ông chủ của hắn, biết cách sai khiến những kẻ xung quanh. “Heydrich có trí nhớ cực kỳ chính xác về những điểm yếu trong tính cách, con người, công việc và chính trị của những người khác”, người bạn thân của hắn, Walter Schellenberg, đã viết như vậy sau cái chết của hắn. “Hắn như một con sói trong một bầy sói hung ác, luôn tỏ ra là kẻ mạnh nhất và nắm quyền cai quản cả bầy”.
Quả thật, Heydrich là người mà giới lãnh đạo của nước Đức phátxít chỉ dùng trong những sứ mệnh nhạy cảm và khó khăn nhất. Dấu tay của hắn lưu lại trên mọi khoảnh khắc quan trọng nhất của Đế chế thứ Ba. Năm 1934, để chuẩn bị cho kế hoạch thanh trừng những kẻ dám đối đầu với Hitler, Heydrich - lúc đó đứng đầu lực lượng cảnh sát mật (Gestapo) - lập ra một danh sách những kẻ đối đầu với SS trong đảng phátxít cần phải bắt giữ và thủ tiêu. Hắn hỗ trợ tiến hành các chiến dịch tiêu diệt người Do Thái trong cả nước diễn ra vào một đêm năm 19. Năm 1939, hắn là công trình sư của trận tấn công vào một đài phát thanh của Đức ở gần biên giới với Ba Lan nhằm tạo cớ xâm lược Ba Lan.
Hai năm sau, ở tuổi 37, Heydrich được giao trọng trách là người bảo hộ của Bohemia và Moravia, một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng nhất của Đế chế thứ Ba. Được phong là người bảo hộ của Bohemia và Moravia - một khu vực gần bằng Cộng hòa Séc ngày nay - là một bước tiến quan trọng đối với Heydrich. Đặt dưới quyền kiểm soát của Đức kể từ năm 1939, khu vực này là nơi cung cấp nguồn than đá chủ yếu cho cuộc chiến tranh đồng thời là một trong những trung tâm sản xuất vũ khí hàng đầu ở châu Âu.
Không lâu sau, hắn trở lại Béclin để giải quyết một số công việc còn dang dở. Ngày 20/1/1942, hắn được chính thức vinh danh là tay chân thân tín nhất của Hitler tại một biệt thự sang trọng ở Wannsee, một vùng ngoại ô trù phú của thành phố Béclin. Trong một cuộc họp dài diễn ra vào buổi sáng, hắn chủ trì một nhóm quan chức cấp cao để tìm ra một giải pháp cuối cho “vấn đề người Do Thái” của Đế chế.
Kế hoạch trừ khử Heydich được phôi thai ở Luân Đôn (Anh). Một nhóm lính biệt kích người Séc được tuyển chọn và đưa đi huấn luyện tại các trại huấn luyện bí mật ở miền quê nước Anh.
Năm 1939, Edvard Benes - Tổng thống Séc và Xlôvakia trước thời nước này trở thành nước bị bảo hộ - thành lập một chính phủ lưu vong ở Luân Đôn. Trong một diễn biến kỳ lạ của luật quốc tế, Hiệp định Munich được ký bởi các nước Italia, Anh, Pháp và Đức vẫn còn có hiệu lực: Nếu Đức thua trong cuộc chiến tranh này, mọi thứ sẽ quay trở lại đường biên giới thời kỳ hậu Hiệp định Munich và nước này sẽ giữ lại gần 5 triệu người và 6.177 km2 của Séc và Xlôvakia.
Tổng thống Benes quyết tâm ngăn chặn điều này. Nhưng để phá bỏ hiệp định, ông phải chứng tỏ cho các nước đồng minh thấy rằng người dân Séc đang đóng góp cho cuộc chiến chống lại phát xít Đức. Bên cạnh việc tuyên truyền rộng rãi, Benes thường đề cập đến hàng nghìn quân nhân Séc đã chiến đấu ở Pháp trong suốt thời kỳ xâm lược và sau đó rút lui cùng với các lực lượng khác của quân đồng minh. Các phi công người Séc đã chiến đấu trong trận đánh của nước Anh, bắn rơi hàng chục máy bay Đức.
Phối hợp cùng với lực lượng tác chiến đặc biệt của Anh, Benes bắt đầu huấn luyện những quân nhân ưu tú nhất của quân đội Séc lưu vong để trở thành lính dù. Những người này sẽ được “ném” xuống lãnh thổ Séc đang bị chiếm đóng để hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy tại chỗ hoặc tiến hành các chiến dịch phá hoại.
Đình Vũ (tổng hợp)
Đón đọc kỳ tới: Lên kế hoạch