Các máy bay F - 16 bắt đầu thả pháo sáng và các mảnh kim loại để gây nhiễu rađa và tên lửa tầm nhiệt. Chiến dịch tiêu diệt Osirak chính thức bắt đầu...
Đồ họa vụ không kích cơ sở hạt nhân Osirak. |
Khi còn cách mục tiêu hơn 7 km, các máy bay F - 16 đột ngột tăng độ cao lên 1.524 m. Chiến thuật này là để thực hiện động tác ném bom bổ nhào với tốc độ hơn 1.080 km/h ở góc 35 độ. Nhờ đó, các quả bom sẽ được ném xuống với vận tốc cao từ độ cao 1.066 m. Những quả bom này được gắn ngòi nổ sao cho đủ thời gian để chúng xuyên qua mái vòm bê tông rơi xuống lò phản ứng hạt nhân trước khi phát nổ.
Bởi vì bị lỡ điểm chuẩn ban đầu nên Raz tiến hành động tác bổ nhào muộn hơn và phải bay vòng quanh để xác định mục tiêu. Điều đó có nghĩa là phi công lái chiếc máy bay theo ngay sau anh ta, Thiếu tá Amos Yadlin, ném quả bom đầu tiên rồi sau đó mới đến lượt anh ta ném quả thứ hai. Các máy bay khác nối đuôi nhau thực hiện động tác ném bom bổ nhào.
Trận không kích vào cơ sở hạt nhân Osirak diễn ra lúc 18 giờ 35 ngày 7/6 (giờ Irắc). Từ lúc quả bom thứ nhất được ném xuống đến quả cuối cùng chỉ kéo dài 80 giây. Các cột khói và lửa bốc cao ngút trời khi mà 14 trong số 16 quả bom rơi vào trong mái vòm và phá hủy lò phản ứng. Cả hai quả bom không trúng mục tiêu đều do Spector thực hiện. Lò phản ứng Isis và phòng thí nghiệm của Italia không bị hư hỏng gì.
Lò phản ứng hạt nhân Osirak sau trận không kích. |
Trận tập kích khiến lực lượng phòng không Irắc không kịp trở tay. Lúc đó, những người lính phòng không Irắc đang trong quán ăn để chuẩn bị dùng bữa tối, các rađa đều đã tắt. Một số khẩu pháo nhả vài loạt đạn vào chiếc F - 16 cuối cùng nhưng đều không trúng đích do họ chỉ ngắm bắn bằng mắt thường.
Sau khi tiêu diệt mục tiêu, các máy bay F - 16 chuyển hướng sang trái và tăng hết tốc độ rời khỏi al Tuwaitha trước khi lên độ cao để hội quân cùng với các máy bay F - 15. Sau khi biết chắc chắn không bị tổn thất gì về lực lượng, Raz dẫn đầu phi đội bay theo một đường thẳng theo hướng tây nam nhằm biên giới Arập Xêút và sau đó bay qua Gioóđani đến căn cứ không quân Etzion. Trên đường trở về căn cứ họ không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào và hạ cánh an toàn xuống Etzion lúc hơn 7 giờ tối. Họ đã bay liên tục trong 3 tiếng 10 phút.
Trái với tính toán của Ixraen, dù các kỹ thuật viên người nước ngoài ở Osirak đã thay ngày nghỉ cuối tuần bằng ngày lễ Sabbath của đạo Hồi vào hôm thứ sáu, nhưng khi trận không kích diễn ra hôm chủ nhật, hầu hết nhân viên đã rời khỏi nơi làm việc. Vụ không kích đã làm 1 nhân viên kỹ thuật người Pháp và 10 người Irắc bị chết.
Irắc và Pháp đã lên án kịch liệt trận không kích của Ixraen. Liên Xô và nhiều nước khác cũng lên án mạnh mẽ hành động này. Một bài xã luận đăng tải trên tờ Thời báo New York đã viết: “Trận không kích bất ngờ của Ixraen vào lò phản ứng hạt nhân do Pháp chế tạo ở gần thủ đô Bátđa là một hành động không thể chấp nhận được và đây là thái độ hiếu chiến thiển cận”.
Ngay sau đó, Mỹ tạm thời ngừng chuyển giao máy bay F - 16 cho Ixraen. Tuy vậy, Tổng thống Reagan tuyên bố: “Không có chuyện đánh giá lại toàn bộ mối quan hệ giữa Mỹ và Ixraen. Chính phủ Mỹ không mong đợi có bất kỳ sự thay đổi nào”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kurt Waldheim cũng cho rằng, vụ tấn công vào lò phản ứng hạt nhân Osirak là một “sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”. Năm 1976, ông cũng đã chỉ trích vụ tấn công bất ngờ của Ixraen để giải cứu các con tin của nước này ở Entebbe. Jeane J. Kirkpatrick, Đại sứ Mỹ ở Liên hợp quốc, nói: “Các biện pháp ngoại giao cho trường hợp của Ixraen không bao giờ hết”, và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “đã kịch liệt lên án” hành động của Ixraen.
Mặc cho thế giới kịch liệt lên án, cơ đồ chính trị của Begin lại tươi sáng trở lại sau trận không kích vào Osirak. Đảng Likud của ông ta giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 6 và Begin tiếp tục nắm giữ chức thủ tướng cho đến tận tháng 10/1983, khi Yitzhak Shamir, người nhiệt tình ủng hộ Begin trong cuộc khủng hoảng Osirak, kế nhiệm Begin.
Thái độ giận dữ của cộng đồng quốc tế đối với Ixraen theo thời gian cũng dịu xuống. Sau đó, hoạt động chuyển giao máy bay F - 16 của Mỹ cho Ixraen được nối lại từ ngày 1/9 năm đó.
Irắc đề nghị Pháp tiếp tục bán cho nước này một lò phản ứng khác để thay thế cho lò phản ứng bị Ixraen không kích. Tuy nhiên, Pháp từ chối lời đề nghị đó của Irắc.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, các lực lượng của liên quân đã phá hủy những gì còn sót lại của cơ sở hạt nhân ở al Tuwaitha. Sau cuộc chiến, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói với Thiếu tướng David Ivry, chiến dịch Osirak đã “khiến công việc của chúng tôi trở nên dễ dàng hơn rất nhiều trong chiến dịch Bão táp sa mạc”.
Đình Vũ (tổng hợp)