Vụ khủng bố ở Djerba

Vụ khủng bố ở Djerba-Kỳ cuối: Nỗi ám ảnh nặng nề

Một lúc sau, các du khách được thông báo là họ có thể ra ngoài. Nhưng con đường đi ra qua cổng chính của nhà thờ đã trở thành điều tồi tệ nhất: Bên ngoài, người chết nằm co rúm một cách kỳ lạ trên đường. Sau này, Helmut Eckert mới biết là những người bị chết cháy thường co rúm như vậy, vì gân bị ngắn đi. Ông nhìn thấy một cô gái đang đổ côca côla vào cánh tay bị bỏng. Một phụ nữ đang nằm trên rãnh cống và trên một bức tường nhỏ, một người đàn ông đang ngồi với con mình, cả hai đã bị chết cháy.

Tưởng nhớ nạn nhân vụ khủng bố Djerba.


Edith Eckert hồi tưởng và giờ đây vẫn còn cố gắng để tìm được những từ đúng nghĩa: "Bà ta trông giống như một sinh vật xa lạ, một người ngoài hành tinh. Bà ta không còn tóc và quần áo, nước da xám xịt, đôi mắt nhìn như bị nung chảy". Sau đó, người phụ nữ bị thương nặng đó nói một câu rất bình thường, mà Edith Eckert bị ám ảnh mãi, không bao giờ có thể quên được: "Bà nhìn xem, bây giờ trông tôi như thế này đây".

Ngay cả đối với các chuyên gia giàu kinh nghiệm như bác sĩ, chuyên gia bỏng Bernd Hartmann ở Béclin thì sự cố Djerba cũng là "một sự trải nghiệm nặng nề". Một ngày sau vụ khủng bố, ông Hartmann, bác sĩ trưởng của Trung tâm bỏng nặng trong bệnh viện tai nạn ở Béclin đã bay sang Tuynidi. Kinh nghiệm nghề nghiệp mách bảo cho ông một tình huống bi quan: "Đối với những người bị bỏng nặng, thời gian rất eo hẹp. Điều rất quan trọng là họ được chữa trị trong những giờ đầu tiên như thế nào". Các vết bỏng phải được rửa sạch và được băng bó vô trùng, phải giữ ấm cho bệnh nhân và phải truyền tới 20 lít nước mỗi ngày để bù lại lượng chất lỏng bị mất đi nhiều.

Lực lượng cứu hộ đã huy động cả máy bay để cấp cứu nạn nhân trong vụ khủng bố Djerba.


Nhưng những gì mà Bernd Hartmann nhìn thấy ngày 12/4 trong một bệnh viện ở thành phố Sousse của Tuynidi thì còn cách xa những tiêu chuẩn này: "Những người bị thương không được chăm sóc chu đáo. Họ nằm trong một phòng chung lớn, một số người không được băng bó và chỉ được che lại bằng một chiếc chăn đơn giản, những người khác không được lau rửa sạch, người ta nhìn thấy cả phần quần áo bị cháy còn sót lại".

Trong khi đó, tại nước Đức chỉ cách vài giờ bay, nhiều người thân lại chẳng biết gì về mức độ thảm họa. Mặc dù trên màn hình có chiếu những đoạn phim bị rung của Helmut Eckert, nhưng cụ thể điều gì xảy ra thì ban đầu chẳng ai biết rõ.

Bộ Ngoại giao và công ty TUI là nơi tổ chức chuyến đi đã lập ra Ban tham mưu giải quyết khủng hoảng, nhưng theo như bà Bettina Fischer nhớ lại thì sự hỗ trợ của họ "tương đối không chuyên nghiệp". Người ta chỉ cung cấp thông tin rất ít ỏi, không có một cơ quan chính thức nào cung cấp cho bà sự đánh giá trung thực về tình hình sức khỏe của em trai, em dâu và cháu bà. Bà Fischer nhận xét: "Tôi đã tính rằng sau sự kiện 11/9, chúng ta phải được chuẩn bị tốt hơn đối với một cuộc tấn công khủng bố".

Mãi sau này, qua người chị gái của em dâu cũng tới Tuynidi, Bettina Fischer mới biết được tình trạng của người thân là rất xấu. Ba ngày sau vụ khủng bố, người thân của Bettina Fischer được đưa về các bệnh viện chuyên khoa ở Béclin và Hamburg để điều trị và các phương tiện truyền thông cũng biết được tin này. Bettina Fischer kinh hoàng nhìn thấy trên báo "Bild" bức ảnh một người bị thương nặng, bị băng bó từ đầu tới chân, chỉ hở ra mấy ngón chân. Nhờ mấy ngón chân này mà bà nhận ra em trai mình.

Bà phẫn nộ khiếu nại lên bệnh viện ở Béclin đã để cho báo chí chụp ảnh em bà trong tình trạng như vậy và bác sĩ trưởng Hartmann cho tới nay còn "rất lấy làm tiếc" rằng một nhân viên bệnh viện đã không chú ý "trong tình huống rất nhạy cảm này". Ông nói: "Khi đó, chúng tôi không lường trước việc giới truyền thông rất quan tâm tới vụ việc này".

Cuối cùng, chỉ có Niklas R., đứa cháu nhỏ của bà là sống sót. Hàng tháng trời, cháu phải mặc quần áo đặc biệt, có hơi nén và phải phẫu thuật vô số lần, cho tới khi cháu được xuất viện vào tháng 8/2002. Bên cạnh hai con trai riêng, gia đình Fischer có thêm một đứa con nữa.

Bettina Fischer, một nhân viên bán hàng 48 tuổi ở Worms kể: "Chỉ sau một tuần, cháu đã gọi chúng tôi là bố, mẹ làm tôi phát khóc, vì tôi có cảm giác là đã lấy đi đứa con của em trai và em dâu quá cố của mình".

Phải mất nhiều năm trời, Niklas mới hiểu rằng mình đã mất cha mẹ, khi cháu hỏi, cha mẹ cháu như thế nào và điều gì đã xảy ra với họ. Cho tới nay, cháu bé giờ đã 11 tuổi vẫn chưa thể hiểu hết mọi việc. Nhưng Bettina Fischer cho biết, cháu là một đứa trẻ vui vẻ và hạnh phúc, mặc dù cháu phải thường xuyên đi phẫu thuật vì những mảng da lên sẹo bị căng, không phát triển.

Có lẽ chỉ có trẻ con mới có thể hồn nhiên nhìn nhận số phận như vậy một cách tích cực. Khi 5 tuổi, có lần Niklas nói với cô nuôi dạy trẻ với giọng tương đối tự hào: "Cháu có hai cặp cha mẹ, cháu ở với một cha mẹ và những người kia thì đang ở trên trời".

Vũ Long (Tổng hợp từ báo chí Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN