Trong cuộc họp báo ngày 6/4, người đứng đầu Cơ quan Phát triển và nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ G. Satheesh Reddy khẳng định vụ thử nghiệm trên được thiết kế nhằm làm cho các mảnh vỡ, dù là nhỏ nhất, nhanh chóng biến mất trong không gian vũ trụ.
Tuy nhiên, ông cùng thừa nhận rằng đã tồn tại rủi ro trong khoảng thời gian 10 ngày sau vụ bắn hạ vệ tinh, song điều này đã không xảy ra. Ông Reddy cũng bác bỏ khả năng các mảnh vụn từ vệ tinh của Ấn Độ sẽ va chạm với ISS.
Tuyên bố trên của người đứng đầu Cơ quan Phát triển và nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ đã phần nào trấn an mối quan ngại của giới chuyên gia về an toàn trong không gian vũ trụ, lo ngại các mảnh vỡ của vệ tinh bị bắn hạ có thể gây nguy hiểm cho các phi hành gia trên ISS.
Ngày 27/3 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo nước này đã bắn hạ một vệ tinh bay ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp trong một cuộc thử nghiệm tên lửa và sự thành công này được đánh giá là bước tiến lớn đưa New Delhi vào danh sách các cường quốc về không gian.
Vệ tinh Ấn Độ bị bắn rơi ở độ cao khoảng 300km so với bề mặt Trái Đất, thấp hơn so với ISS và hầu hết các vệ tinh trong quỹ đạo. Với cột mốc này, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 sau Mỹ, Nga và Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào một vật thể bay trong quỹ đạo Trái Đất.
Giám đốc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) Jim Bridenstine đã mô tả vụ bắn hạ vệ tinh của Ấn Độ là "tồi tệ" với 400 mảnh vụn vệ tinh chuyển động trong không gian và 24 mảnh vỡ đã "vượt qua độ cao của ISS". Theo ông, ngay cả mảnh vụ nhỏ nhất chuyển động ở tốc độ nhanh có thể ảnh hưởng đến hoạt động của vệ tinh khác.
Quân đội Mỹ có nhiệm vụ giám sát các vật thể trong không gian để đưa ra dự báo về nguy cơ va chạm giữa các vật thể này với ISS và các vệ tinh. Hiện lực lượng này đang theo dấu 23.000 vật thể có kích cỡ lớn hơn 10cm, trong số đó có khoảng 10.000 mảnh vỡ trong vũ trụ, bao gồm cả gần 3.000 mảnh vỡ được tạo ra sau cuộc thử nghiệm phá hủy vệ tinh của Trung Quốc năm 2007 ở độ cao 852km so với bề mặt Trái Đất.
Theo NASA, sau khi Ấn Độ thử nghiệm thành công bắn rơi vệ tinh ngày 27/3 vừa qua, nguy cơ xảy ra va chạm giữa các mảnh vỡ và ISS tăng 44% trong 10 ngày - kể từ thời điểm trên. Tuy nhiên, mối đe dọa này có thể giảm xuống theo thời gian, do đa số các mảnh vỡ sẽ bị thiêu rụi khi rơi vào bầu khí quyển Trái Đất.