Trước đó, Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ hôm 11/2 đã thử nghiệm một tên lửa đánh chặn tầm cao thuộc hệ thống BMD, được thiết kế để theo dõi và tiêu diệt tên lửa đạn đạo cả bên trong và bên ngoài bầu khí quyển của Trái Đất để có được xác suất “tiêu diệt” cao hơn.
Trong khi cuộc thử nghiệm hồi tháng trước liên quan đến tên lửa đánh chặn “ngoài khí quyển” bắn trúng mục tiêu ở độ cao 97 km, thì vụ phóng thử ngày 2/11 đã nhằm vào một tên lửa đang lao tới ở độ cao 15 km. Các quan chức quốc phòng Ấn Độ xác nhận tên lửa đánh chặn được bắn từ đảo Abdul Kalam ngoài khơi bờ biển Odisha đã “tiêu diệt thành công” tên lửa Prithvi của “đối phương” đang bay tới, được phóng từ bãi thử tích hợp tại Chandipur, lúc 10h15 ngày 2/11 (theo giờ địa phương).
Bộ Quốc phòng Ấn Độ ra tuyên bố nêu rõ: “Tất cả các mục tiêu nhiệm vụ đều đã được thực hiện thành công. Các radar của hệ thống vũ khí đã theo dõi mục tiêu và cung cấp hướng dẫn ban đầu cho tên lửa đánh chặn để có thể khóa chính xác mục tiêu và tiêu diệt mục tiêu bên trong bầu khí quyển. Toàn bộ quá trình, bao gồm cả sự tham gia và phá hoại, được theo dõi bởi một số hệ thống theo dõi quang điện tử sử dụng hình ảnh hồng ngoại. Các radar và trạm đo xa đã theo dõi mục tiêu và tên lửa đánh chặn cho đến khi mục tiêu bị tiêu diệt”.
Ấn Độ đã bắt đầu phát triển BMD hai tầng từ cuối những năm 1990, với tên lửa đánh chặn đầu tiên được thử nghiệm vào năm 2006. Đến nay, hệ thống này đã được thử nghiệm hơn 10 lần, trong đó có ít nhất 3 lần không thành công. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có Mỹ, Nga, Israel và Trung Quốc đang triển khai hệ thống BMD.
Hoạt động thử nghiệm hiện nay đối với BMD nội địa Giai đoạn 1 của Ấn Độ, trong đó trang bị tên lửa đánh chặn có tốc độ Mach 4,5, nhằm phục vụ mục đích tiêu diệt các loại tên lửa của đối phương có tầm bắn lên đến 2.000 km. Trong khi đó, BMD Giai đoạn 2, được trang bị tên lửa đánh chặn có tốc độ siêu vượt âm Mach 6-7, có nhiệm vụ tiêu diệt các loại tên lửa của đối phương có tầm bắn lên đến 5.000 km.