Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh RUDRAM là tên lửa chống bức xạ bản địa đầu tiên của nước này dành cho Không quân Ấn Độ (IAF), do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO) phát triển. Tên lửa được gắn trên máy bay chiến đấu SU-30 MKI làm bệ phóng và có khả năng thay đổi tầm bắn tùy theo điều kiện phóng. Tên lửa có thể đạt tầm bắn 200 km, đạt tốc độ tối đa 2 mach và có thể bắn từ độ cao 500 mét đến 15 km.
Theo bộ trên, tên lửa đã đánh trúng mục tiêu bức xạ với độ chính xác cao dựa trên Hệ thống dẫn đường quán tính-GPS, một hệ thống đáng tin cậy hơn và đã được các tàu vũ trụ, tàu ngầm, máy bay và tên lửa sử dụng thành công. Tên lửa này là một vũ khí uy lực của IAF trong việc trấn áp khả năng phòng không của đối phương một cách hiệu quả từ khoảng cách xa. Với vụ phóng này, Ấn Độ đã xây dựng được năng lực phát triển nội địa các tên lửa chống bức xạ phóng tầm xa phóng trên không nhằm vô hiệu hóa các radar của đối phương, các cơ sở liên lạc và những mục tiêu phát tần số vô tuyến (RF) khác.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đã tăng cường sức mạnh tên lửa của nước này bằng việc thực hiện một loạt cuộc thử nghiệm trong vài tuần qua để đánh giá các khả năng mới, giữa lúc quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đang đối đầu căng thẳng dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Đông Ladakh. DRDO đã gia tăng tần suất thử nghiệm một số hệ thống tên lửa trong thời gian qua, trong đó bao gồm tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Prithvi-II (ngày 23/9), tên lửa siêu vượt âm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Shaurya (ngày 3/10), hệ thống phóng ngư lôi chống ngầm SMART (ngày 5/10), tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos (ngày 30/9), tên lửa hành trình Nirbhay (dự kiến trong những ngày tới)...