Báo cáo mang tên "Chi tiêu vào hạt nhân toàn cầu năm 2020" nêu chi tiết cách thức 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới tiếp tục tăng chi tiêu vào vũ khí này. Báo cáo nêu rõ: "Trong khi các giường bệnh trong bệnh viện chật cứng bệnh nhân, bác sĩ và y tế làm việc quá giờ, vật tư y tế cơ bản thiếu thốn, thì 9 quốc gia đã chi hơn 72 tỉ USD vào các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt trong năm 2020", tăng 1,4 tỉ USD so với mức của năm 2019.
Theo báo cáo, mức chi của Mỹ là 37,4 tỉ USD, chiếm hơn một nửa khoản chi của 9 nước và chiếm gần 5% tổng ngân sách quốc phòng của nước này. ICAN ước tính mức chi của Trung Quốc là khoảng 10 tỉ USD, trong khi của Nga là 8 tỉ USD.
Nhìn chung, 9 quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân (gồm 3 nước trên và Anh, Pháp, Ấn Độ, Israel, Pakistan và Triều Tiên) đã chi hơn 137.000 USD/phút vào vũ khí hạt nhân trong năm 2020. Đặc biệt, việc tăng chi tiêu diễn ra trong bối cảnh thế giới đang vật lộn chống chọi với đại dịch nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ qua và nhiều nước trên thế giới đang hợp tác với nhau để cấm vũ khí hạt nhân. Hiệp ước của Liên hợp quốc cấm vũ khí hạt nhân bắt đầu có hiệu lực vào ngày 22/1 sau khi 50 nước tham gia ký kết đã hoàn tất quá trình phê chuẩn vào tháng 10/2020.
ICAN nêu rõ: "Trong khi 9 nước này tiếp tục lãng phí hàng tỉ USD vào vũ khí hủy diệt hàng loạt, thì phần còn lại của thế giới đang nỗ lực để đưa vũ khí hạt nhân vào danh mục mặt hàng bất hợp pháp".
Theo báo cáo của ICAN, hơn 20 công ty sản xuất vũ khí hạt nhân hoạt động sinh lời trong năm 2020 nhờ các hợp đồng mới hoặc các hợp đồng đang được triển khai, với 11 công ty phương Tây kiếm được 27,7 tỉ USD. Những công ty thu lời cao nhất từ các hợp đồng này có Northrop Grumman, General Dynamics, Lockheed Martin, Raytheon Technologies và Draper.