Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) mà quân đội Ukraine nhận từ Mỹ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Crimea và trên hết là Cầu Crimea, nhưng lực lượng phòng không Nga có khả năng bảo vệ bán đảo này, đại diện thường trực của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Crimea, ông Georgy Muradov nói với tờ Izvestia ngày 27/4. Chính trị gia này nhấn mạnh, bằng cách cung cấp tên lửa ATACMS tầm xa, Washington đang đưa "cuộc chiến chống Nga ở Ukraine lên một tầm cao mới".
Theo Izvestia, Mỹ đã đồng ý về các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea, về cơ bản không hạn chế Kiev trong việc lựa chọn mục tiêu. Cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đứng đầu cơ quan tình báo Ukraine trước đó đều lên tiếng về kế hoạch phá hủy cây cầu Crimea. Vào giữa tháng 4 vừa qua, Tổng thống Zelensky nói rằng kế hoạch cho một cuộc phản công trong tương lai bao gồm việc phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự này trong năm nay.
Lầu Năm Góc thực tế đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa để tấn công các mục tiêu ở Crimea. Tờ New York Times đưa tin về điều này có tham khảo tuyên bố của đại diện quân sự Mỹ. Loại vũ khí trên, như New York Times lưu ý, gây ra mối đe dọa đối với các cơ sở ở những khu vực Nga mới sáp nhập và cũng có thể nhắm vào các trung tâm cung cấp hậu cần của quân đội Nga.
Tuy nhiên, mục tiêu chính của tên lửa, nằm trong gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD được phê duyệt vào tuần trước cho Kiev, là gây áp lực lên Crimea, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói với các phóng viên.
Chuyên gia quân sự Nga Gennady Alekhin nhắc lại rằng quyết định cung cấp ATACMS cho Ukraine đã được chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra vào tháng 2 năm nay, tức là trước khi chính thức thông qua dự luật phân bổ gói viện trợ mới cho Kiev. Theo chuyên gia này, trước đây, ATACMS cung cấp cho Ukraine có tầm bắn 160–180 km, nhưng giờ đây lực lượng vũ trang Ukraine đã nhận được tên lửa có tầm bắn lên tới 300 km.
Theo các quan chức Mỹ, Ukraine đã cam kết chỉ nhắm mục tiêu vào các khu vực Nga mới sáp nhập và Crimea, hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Konstantin Blokhin, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lưu ý: "Mỹ sẽ chỉ kiềm chế Kiev bằng lời nói, tuyên bố rằng họ không ủng hộ hoặc tha thứ cho các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga. Nhưng Mỹ hiểu rất rõ rằng ngay khi Ukraine nhận được bất kỳ loại vũ khí nào, họ sẽ ngay lập tức sử dụng những vũ khí này, vì nhiệm vụ của Ukraine là gây thiệt hại tối đa cho Nga bằng mọi cách có thể".
Mặc dù vậy, các chuyên gia quân sự Nga cho rằng Kiev sẽ sử dụng các loại vũ khí khác để tấn công cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới Belgorod và Kursk, một phần nhằm tránh căng thẳng với Mỹ. Chuyên gia quân sự Gennady Alyokhin nêu rõ: “ATACMS trước hết sẽ được sử dụng ở hướng nam. Mục tiêu chính là Crimea, các cơ sở quân sự, sân bay và Cầu Crimea. Ở các khu vực khác, việc sử dụng chúng là không thể”.
Chuyên gia này tin tưởng rằng, trước hết, lực lượng phòng không Nga có thể bảo vệ các cơ sở ở mọi hướng. Thứ hai, quân đội Nga rõ ràng đang nỗ lực tấn công chuỗi hậu cần cung cấp vũ khí cho Ukraine, vốn chủ yếu đi vào lãnh thổ Ukraine bằng đường bộ và đường sắt.
Đồng tình với nhận định trên, chuyên gia quân sự Dmitry Kornev nói: “Sự xuất hiện của các tên lửa mới chắc chắn sẽ không làm thay đổi kết quả của cuộc đối đầu quân sự, vì không có thứ gọi là 'vũ khí thần kỳ' và ATACMS chắc chắn không thể được phân loại như vậy. Tên lửa loại này có thể bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không S-300, S-400 và Buk của Nga. Tổ hợp S-500 mới nhất, hiện đã bắt đầu được chuyển giao cho lực lượng phòng không Nga, cũng sẽ đối phó được những mục tiêu này”.