Trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền được hãng tin Reuters công bố ngày 12/8, Tổng Giám đốc ESA Josef Aschbacher cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang ở giai đoạn thăm dò và bất kỳ giải pháp nào được đưa ra sẽ chỉ mang tính tạm thời. Ông Aschbacher cũng cho biết ngoài SpaceX, ESA đang cân nhắc 2 lựa chọn khác đến từ Nhật Bản và Ấn Độ. Hiện SpaceX chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Tên lửa Soyuz của Nga đã đưa lên không gian nhiều phi hành gia, vệ tinh và khối lượng hàng hóa khổng lồ trong nhiều thập kỷ kể từ khi được ra mắt năm 1966, với độ tin cậy cao và kỷ lục hơn 1900 lần phóng. Tuy nhiên, Nga gần như ngừng hợp tác với Mỹ và châu Âu trong vấn đề sử dụng tên lửa này sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Quyết định của Nga được coi là biện pháp đáp trả đối với các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Châu Âu bắt đầu sử dụng Soyuz làm tên lửa đẩy hạng trung chính vào năm 2011. Việc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngưng sử dụng tàu con thoi vào cùng năm đồng nghĩa Soyuz trở thành phương tiện duy nhất đưa các phi hành gia Mỹ lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) trong vòng gần 10 năm, cho đến khi SpaceX đưa vào vận hành tên lửa đẩy Falcon.
Ngoài Soyuz, châu Âu còn sử dụng tên lửa Vega của Italy và tên lửa Ariane 5. Tên lửa Vega C thế hệ tiếp theo đã ra mắt vào tháng trước, trong khi kế hoạch ra mắt tên lửa Ariane 6 mới bị trì hoãn cho đến năm sau. ESA cho biết khi thông tin về kế hoạch ra mắt Ariane 6 trở nên rõ ràng hơn vào tháng 10 tới, cơ quan này sẽ hoàn tất kế hoạch dự phòng và gửi đến các đại diện của 22 quốc gia thành viên vào tháng 11.