Đánh giá sức mạnh phòng không của Iran sau cuộc tấn công từ Israel

Mặc dù Iran sở hữu nhiều loại hệ thống phòng không như S-300 và Bavar 373, nhưng thực tế cho thấy năng lực phòng thủ của nước này gặp nhiều hạn chế. Các lệnh trừng phạt của phương Tây và lực lượng không quân lạc hậu có lẽ là nguyên nhân chính. 

 

Chú thích ảnh
Các sự kiện gần đây cho thấy hệ thống phòng không của Iran đã không thể chống lại các mối đe dọa hiện đại, làm dấy lên nghi vấn về hiệu quả thực tế của những trang thiết bị này. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Jerusalem Post (Israel) ngày 29/10, sau cuộc không kích gần đây của Israel vào Iran, các chuyên gia đã có cái nhìn kỹ lưỡng hơn về hệ thống phòng không của quốc gia Trung Đông này. Mặc dù sở hữu nhiều loại hệ thống phòng không đa dạng, nhưng thực tế cho thấy đây không phải là điểm mạnh trong năng lực quân sự của Iran.

Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc Iran đã không phải đối mặt với các mối đe dọa quân sự quy mô lớn trong nhiều thập kỷ qua. Lần gần đây nhất Iran tham gia một cuộc chiến tranh quy ước và phải bảo vệ không phận là trong cuộc chiến Iran-Iraq vào những năm 1980. Thêm vào đó, các lệnh trừng phạt quốc tế cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc hiện đại hóa hệ thống phòng không của nước này.

Một trong những điểm yếu đáng chú ý là lực lượng không quân lạc hậu của Iran không đủ khả năng hỗ trợ các hệ thống phòng không trong việc đánh chặn các mối đe dọa, đặc biệt khi đối đầu với lực lượng không quân có các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm hiện đại như của Israel.

Về trang bị, Iran hiện sở hữu 4 hệ thống S-300 mua từ Nga theo thỏa thuận trị giá 800 triệu USD năm 2007. Các hệ thống này bao gồm phiên bản S-300PMU2 và S-300PMU1, mỗi hệ thống có bốn bệ phóng, hai radar và các phương tiện hỗ trợ. Theo Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, S-300 đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ các cơ sở hạt nhân tại Isfahan, Natanz và Fordow.

Iran cũng tự phát triển hệ thống phòng không nội địa Bavar 373, sử dụng tên lửa Sayyad 4. Theo tạp chí National Interest, hệ thống này được trang bị radar tần số S để phát hiện máy bay từ xa và radar kiểm soát hỏa lực tần số X để dẫn đường tên lửa có tầm bắn lên đến 250 km.

Ngoài ra, Iran còn sở hữu nhiều hệ thống khác như Mersad (phát triển từ MIM-23 Hawk của Mỹ), Mersad-16 (Kamin), các tên lửa Sayyad, hệ thống 15 Khordad, HQ-7 của Trung Quốc và Tor M1 của Nga. Gần đây nhất, vào tháng 2 năm nay, Iran đã triển khai hệ thống tên lửa Arman có khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 180km và tấn công đồng thời 12 mục tiêu trong phạm vi 120km.

Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của các hệ thống này vẫn còn nhiều nghi vấn. Trong cuộc không kích hôm 26/10 của Israel, theo tờ Wall Street Journal, tất cả các hệ thống phòng không của Iran đều bị ảnh hưởng. Tờ KAN News của Israel đưa tin các hệ thống radar của Iran đã bị "xâm phạm" và "màn hình bị đóng băng", dẫn đến việc hạn chế khả năng đánh chặn mục tiêu và cho phép không quân Israel xâm nhập không phận.

Theo đánh giá của Viện Washington, để bảo vệ hiệu quả một quốc gia có diện tích lớn như Iran, nước này cần phải tích hợp tốt hơn các hệ thống S-300 với các hệ thống khác như S-200, Raad và Bavar-373. Mặc dù các quan chức Iran thường xuyên tuyên bố về năng lực phòng không "rất tốt" dựa trên công nghệ nội địa, nhưng những sự kiện gần đây đã cho thấy những vấn đề đáng kể trong hệ thống phòng không của nước này.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Jpost.com)
Vai trò của hệ thống tên lửa THAAD trong cuộc tấn công từ Israel nhằm vào Iran
Vai trò của hệ thống tên lửa THAAD trong cuộc tấn công từ Israel nhằm vào Iran

Cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran diễn ra sau khi Mỹ triển khai hệ thống THAAD đến Israel, nhấn mạnh sự hỗ trợ chiến lược từ Washington đối với Tel Aviv.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN