Theo trang Defense News, tại Hội nghị Không gian mạng của Hiệp hội Không quân, Tướng Mike Minihan, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Cơ động Không quân Mỹ (AMC) đã ký kết văn bản cho phép mở rộng triển khai 60 chiếc máy bay tiếp nhiên liệu KC-46 trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, AMC sau đó cho biết KC-46 vẫn không thể tiếp nhiên liệu cho cường kích “lợn lòi” A-10 Warthog, do gặp vấn đề với độ cứng của cần tiếp nhiên liệu. KC-46 sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ cho đến khi sự cố này được khắc phục. Năm 2019, Không quân Mỹ đã trao cho hãng Boeing hợp đồng trị giá tới 55,5 triệu USD để thiết kế lại cần tiếp nhiên liệu của máy bay này, song nỗ lực đó vẫn đang được thực hiện.
Việc triển khai máy bay tiếp nhiên liệu do Boeing sản xuất đã gặp phải nhiều sự cố - chẳng hạn như Hệ thống Quan sát Từ xa (RVS) gặp khó khăn trong việc kiểm soát cần tiếp nhiên liệu, khiến may bay bị trì hoãn hoạt động trong vài tháng. Nhưng hôm 26/9, Tướng Minihan cho rằng biết vấn đề này có thể được khắc phục sớm. Ông nói: “Tôi tin tưởng 100% vào khả năng của Pegasus”.
Ngoài ra, KC-46 vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Ông Minihan cho biết AMC sẽ tập trung vào việc đưa ra các phiên bản chỉnh sửa cần thiết cho Pegasus. Chẳng hạn, hình ảnh của hệ thống quan sát ban đầu có thể bị bóp méo hoặc khó nhìn trong các điều kiện hoặc góc ánh sáng nhất định. Điều này đôi khi có thể khiến KC-46 va chạm với máy bay nhận nhiên liệu.
Tướng Minihan nói rằng phi hành đoàn Pegasus sẽ gặp khó khăn khi quan sát qua RVS, nếu các sự cố trên không được khắc phục. Ông cho biết phiên bản nâng cấp của RVS, được gọi là RVS 2.0, sẽ khắc phục sự cố này.
Boeing chưa trả lời yêu cầu bình luận về những tuyên bố của AMC.