Theo trang mạng Bloomberg, trong một văn bản gửi tới tiểu ban lực lượng không quân và bộ binh chiến thuật của Hạ viện, Andrew Hunter – giám đốc phụ trách thu mua của lực lượng – cho biết Không quân Mỹ “hiện không có dự định tiếp tục mua ARRW sau khi giai đoạn tạo nguyên mẫu kết thúc”. Trước đó, lực lượng này đã yêu cầu khoảng 150 triệu USD trong ngân sách tài chính năm 2024 cho dự án nghiên cứu và phát triển tên lửa này.
Tuy nhiên, tuyên bố chấm dứt dự án ARRW đã không được đưa ra trong phiên điều trần ngày 28/3 và thông tin này được công bố đầu tiên trên tờ Bloomberg.
Tin tức về quyết định sẽ ngừng mua ARRW của Lực lượng Không quân Mỹ được đưa ra sau khi Bộ trưởng Không quân Frank Kendall đề xuất với một ủy ban riêng của Hạ viện ngày 28/3 rằng mặc dù ông không nhìn thấy một tương lai chắc chắn đối với dự án ARRW nhưng vẫn có hy vọng chương trình này có thể tồn tại, tùy thuộc vào kết quả của hai cuộc thử nghiệm tiếp theo.
Ngày 24/3, Lực lượng Không quân Mỹ thông báo rằng họ đã tiến hành một cuộc thử nghiệm vào đầu tháng đối với một loại vũ khí ARRW có tên gọi AGM-183-A do Lockheed Martin chế tạo. Sau cuộc thử nghiệm, lực lượng này nhấn mạnh vụ phóng đã đáp ứng một số mục tiêu song không nêu chi tiết thêm.
Tuy nhiên, đầu tuần này, Bộ trưởng Kendall nói rằng cuộc thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm mới nhất không thành công mặc dù nó đã đáp ứng một số mục tiêu.
Nếu như chương trình ARRW chấm dứt, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm triển khai kho vũ khí siêu vượt âm mà trước đó các quan chức nước này cảnh báo đã sẵn sàng hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh với Nga và Trung Quốc.
Mặc dù ARRW được coi là vũ khí siêu vượt âm có khả năng hoạt động đầu tiên của Mỹ, nhưng chương trình này đã vấp phải nhiều nghi ngại sau loạt thử nghiệm thất bại ban đầu trước khi đạt được lần đánh giá toàn diện đầu tiên và thành công vào tháng 12/2022.
Vào thời điểm đó, tên lửa siêu vượt âm AGM-183A được phóng từ máy bay ném bom B-52H hướng ra ngoài khơi California. Tên lửa thử nghiệm đạt tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, hoàn thành lộ trình bay và phát nổ ở khu vực mục tiêu đã định.
Sau phát ngôn của Bộ trưởng Kendall, trong một bài trả lời phỏng vấn Breaking Defense, đại diện Lockheed Martin cho biết công ty cam kết phát triển công nghệ siêu vượt âm với thời gian nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu an ninh quốc gia quan trọng.
Dự án ARRW là một trong hai nỗ lực phát triển vũ khí siêu vượt âm quan trọng của Lực lượng Không quân Mỹ. Dự án còn lại là phát triển tên lửa hành trình tấn công siêu vượt âm (HACM) và dự án này vẫn đang được nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của nhà thầu quốc phòng Raytheon.
Cả Nga và Trung Quốc hiện đã có những đợt thử nghiệm chứng minh khả năng của tên lửa siêu vượt âm do nước mình chế tạo. Trong khi đó, Iran cũng tuyên bố đã thử nghiệm một tên lửa siêu vượt âm vào đầu năm nay. Australia, Triều Tiên và Hàn Quốc, Brazil, Đức, ISrael, Ấn Độ và Nhật Bản cũng có các chương trình tên lửa siêu vượt âm tương tự.
Tên lửa siêu vượt âm có khả năng điều hướng mang theo vũ khí hạt nhân nhắm chính xác vào mục tiêu đã định với tốc độ di chuyển nhanh đến mức không thể đánh chặn.