Kênh CNN (Mỹ) cho biết Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào ngày 10/3 đã xác nhận về việc điều động hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot này.
Patriot vốn được thiết kế để đối đầu và phá hủy các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, chiến đấu cơ tiên tiến và tên lửa hành trình. Một tổ hợp Patriot bao gồm tên lửa cùng các trạm phóng, một bộ radar nhằm phát hiện, theo dõi mục tiêu và một trạm điều khiển.
Mỹ khẳng định việc triển khai Patriot đến Ba Lan chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Người phát ngôn Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ ngày 8/3-Đại úy Adam Miller nhấn mạnh: “Việc triển khai phòng thủ này được chủ động thực hiện để chống lại mọi mối đe dọa tiềm tàng với lực lượng Mỹ cùng đồng minh và lãnh thổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.
Patriot từng nhiều lần được cải tiến và nâng cấp sau lần đầu triển khai năm 1982. Trong khi đó, lần đầu Patriot được sử dụng trong chiến đấu thực địa là cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (1990-1991). Năm 2003, Patriot cũng xuất hiện trong chiến dịch Tự do Iraq.
Cải tiến quan trọng nhất của Patriot là Patriot PAC-3 với công nghệ tấn công tiêu diệt, có thể hạ gục mục tiêu bằng cách tấn công trực diện chúng. Tên lửa PAC-3 đã được thử nghiệm lần đầu năm 1997 và đến năm 2003 được triển khai trong chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq.
Trong những năm gần đây, Mỹ đã triển khai Patriot đến Saudi Arabia và Iraq cũng như khu vực Thái Bình Dương. Có hàng chục đồng minh của Mỹ trong đó có Nhật Bản, Đức, Israel cũng đã mua Patriot.
Trong báo cáo phòng thủ tên lửa 2019 của Lầu Năm Góc có nội dung đề cập rằng tại Mỹ có 33 khẩu đội tên lửa Patriot trong khi ở các nước khác là 27 khẩu đội.