Theo trang tin Yahoo News, các hình ảnh vệ tinh do công ty công nghệ Maxar chụp vào ngày 21/9 cho thấy một hố rộng khoảng 60 mét được được chụp lại tại hầm phóng thuộc Sân bay vũ trụ Plesetsk miền Bắc nước Nga. Đây là miệng hố mới xuất hiện so với những bức ảnh chụp vào đầu tháng 9.
"Theo các dấu hiệu, đó là một cuộc thử nghiệm thất bại. Nó đã để lại một lỗ lớn trên mặt đất. Đã xảy ra một sự cố nghiêm trọng với tên lửa và hầm phóng", Pavel Podvig, một nhà phân tích làm việc tại Geneva điều hành dự án phân tích Lực lượng hạt nhân Nga, cho biết.
Trong khi đó, ông Timothy Wright, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London(Anh), cho biết những thiệt hại khu vực xung quanh hầm chứa tên lửa ngay lập tức cho thấy sự cố ngay sau khi phóng.
"Nguyên nhân có thể là tầng đầu tiên - tên lửa đẩy không đánh lửa đúng cách hoặc gặp sự cố cơ học nghiêm trọng, khiến tên lửa rơi trở lại hoặc hạ cánh gần hầm chứa và phát nổ", ông Wright trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters.
Đăng hình ảnh vệ tinh tại bãi thử nghiệm trước và sau vụ phóng lên mạng xã hội X, ông James Acton, chuyên gia hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho rằng khả năng xảy ra một vụ nổ lớn là hoàn toàn thuyết phục và ông tin chắc một cuộc thử nghiệm Sarmat đã thất bại.
Hiện Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin trên. Trước đó, bộ này cũng không đưa ra thông báo nào về các cuộc thử nghiệm Sarmat đã lên kế hoạch trong những ngày gần đây.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân tấn công các mục tiêu cách xa hàng nghìn kilomet. Điều đó có nghĩa là nó có thể tấn công các mục tiêu ở Mỹ hoặc châu Âu. Tuy nhiên, quá trình phát triển của tên lửa này liên tục bị cản trở bởi sự chậm trễ và các trở ngại trong quá trình thử nghiệm.
Mỹ và các đồng minh đang theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển kho vũ khí hạt nhân của Nga vào thời điểm cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy căng thẳng giữa Moskva và phương Tây lên mức nguy hiểm nhất trong hơn 60 năm.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới, đồng thời cảnh báo phương Tây không nên vượt qua “lằn ranh đỏ” có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân.
Tên lửa RS-28 Sarmat dài 35 m, thường được phương Tây ví von là tên lửa Satan II, có tầm bắn 18.000 km. Truyền thông Nga cho biết tên lửa này có thể mang tới 16 đầu đạn hạt nhân có thể nhắm mục tiêu độc lập. Nga đã từng tuyên bố Sarmat sẽ sẵn sàng vào năm 2018, thay thế SS-18 thời Liên Xô, nhưng ngày triển khai đã bị lùi lại nhiều lần.
Vào tháng 10/2023, Tổng thống Putin cho biết Nga đã gần hoàn thành công việc chế tạo tên lửa này. Bộ trưởng Quốc phòng của ông khi đó là Sergei Shoigu cho biết tên lửa này sẽ hình thành "nền tảng cho lực lượng hạt nhân chiến lược trên bộ của Nga".
Theo nhà phân tích Wright, một vụ thử nghiệm thất bại không đồng nghĩa với việc chương trình Sarmat đang trở nên đáng lo ngại.
“Tuy nhiên, đây là lần thử nghiệm thất bại thứ tư liên tiếp của Sarmat, ít nhất sẽ đẩy lùi thời điểm đưa vào sử dụng vốn đã bị trì hoãn của nó thậm chí còn lâu hơn nữa và nhiều nhất có thể đặt ra câu hỏi về tính khả thi của chương trình”, ông nói.
Wright cho biết dự án mới chậm trễ sẽ gây sức ép lên khả năng hoạt động và sự sẵn sàng của các tên lửa SS-18 cũ mà Sarmat dự kiến sẽ thay thế, vì chúng sẽ phải tiếp tục hoạt động lâu hơn dự kiến.