Theo Tổ chức phi lợi nhuận Dự án Chính phủ giám sát (POGO) có trụ sở tại Washington, giới chức giám sát chương trình F-35 đắt đỏ rõ ràng cố tình che giấu một số lỗi kỹ thuật nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm cho phi công và binh sĩ trên mặt đất. Tổ chức này đã thu thập các tài liệu của Lầu Năm Góc và thấy rằng cơ quan này không có kế hoạch sửa chữa hay khắc phục các lỗi kỹ thuật.
Thay vì khắc phục, các vấn đề chỉ được tái phân loại. Hội đồng Giám sát Lỗi kỹ thuật của Văn phòng Chương trình Chiến đấu cơ đã xếp 19 lỗi kỹ thuộc thuộc Mức I xuống Mức II – mức độ ít nghiêm trọng hơn, mà không đưa ra bất kỳ kế hoạch khắc phục nào.
Theo đánh giá của Lầu Năm Góc, lỗi bị xếp Mức I “có thể gây tử vong, thương tích nặng hoặc gây hư hại nghiêm trọng hệ thống vũ khí, hạn chế khả năng sẵn sàng chiến đấu của máy bay”. Trong khi đó, lỗi kỹ thuật Mức II chỉ là “có thể ngăn cản hoặc hạn chế khả năng hoàn thành nhiệm vụ”.
Danh sách những vấn đề nghiêm trọng nhất của chiếc máy bay F-35 bao gồm lỗi hệ thống báo động khẩn khi phi công tìm sự trợ giúp từ chiếc ghế phóng hay thiếu công cụ cho phi công xác nhận dữ liệu mục tiêu của vũ khí trước khi khai hỏa.
Theo tổ chức POGO, Lầu Năm Góc muốn che giấu các vấn đề nghiêm trọng F-35 nhằm ngăn việc trì hoãn thêm tiến độ phát triển máy bay. Chương trình F-35 dự kiến sẽ kết thúc giai đoạn phát triển kéo dài 16 năm trong năm nay.
“Họ muốn đứng trước Đồi Capitol và nói: ‘Không, chúng tôi không còn lỗi kỹ thuật Mức I’”, một nhà nghiên cứu quân sự tại POGO, ông Dan Grazier trả lời báo Washington Post.
Hồi tháng 6, Văn phòng Giám sát Chính phủ Mỹ (GAO) thuộc Quốc hội Mỹ cảnh báo Lầu Năm Góc không được chuyển sang giai đoạn sản xuất hàng loạt máy bay cho đến khi giải quyết xong tất cả các lỗi kỹ thuật. Báo cáo của Văn phòng cho thấy đang có gần 1.000 lỗi kỹ thuật khác nhau ảnh hưởng tới máy bay F-35, trong đó có 111 lỗi được xếp ở Mức I. Các vấn đề mà GAO liệt kê bao gồm mũ bảo hiểm giảm tầm nhìn của phi công cho đến lớp áo khoác “tàng hình” có thể bị hư hại khi vận hành với tốc độ siêu thanh.
Mẫu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 do tập đoàn Lockheed Martin chịu trách nhiệm sản xuất được cho là một thiết kế tiêu chuẩn, với 3 biến thể chính gồm F-35A cho Không quân, F-35B cho Thủy quân Lục chiến và F-35C cho Hải quân. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và chế tạo, nhà sản xuất liên tục trễ các hạn chót và chi phí chế tạo một chiếc F-35 ước tính vượt quá 120 triệu USD, khiến F-35 trở thành chiếc máy bay đắt nhất thế giới.