Theo Maier, “Nga đã chứng tỏ cho Mỹ thấy rằng có thể chế tạo được những thiết bị quân sự hiện đại và có tính cạnh tranh mà không cần những khoản ngân sách quân sự nhiều quá đáng”.
Bài báo cho rằng việc tăng chi tiêu quân sự của các nước thành viên NATO lên 2% GDP sẽ không giúp củng cố sức mạnh quân sự, nhất là khi những khoản chi này lại được đầu tư để phát triển những hệ thống vũ khí lạc hậu và không hiệu quả.
Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Shoigu, đã giới thiệu một video về một loạt vũ khí tân tiến mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố với thế giới từ đầu tháng 3/2018. Theo tác giả Marco Maier, những vũ khí này đã khiến cho giới chức quân sự Mỹ rất lo ngại vì nước này chưa có thứ gì đối phó với chúng. Tướng Lori Robinson, nữ Tư lệnh Bộ chỉ huy phương Bắc của quân đội Mỹ, cũng cảnh báo rằng những tên lửa mới của Nga có khả năng tấn công các mục tiêu ở Bắc Mỹ từ những khoảng cách xa “chưa từng có”.
Video Nga phóng thử tên lửa Burevestnik (nguồn Sputnik):
Trong các vũ khí mới của Nga có tên lửa hành trình Burevestnik, trang bị động cơ hạt nhân, có thể bay xa từ 10.000 đến 20.000 km. Theo Marco Maier, tên lửa Burevestnik là mối nguy hiểm đối với Mỹ, vì các hệ thống radar của Mỹ sẽ không thể phát hiện chúng ở khoảng cách lớn. Tên lửa có tầm bắn không hạn chế nên có thể bay vòng để tránh những vùng mà kẻ địch bố trí các hệ thống phòng thủ tên lửa. Burevestnik còn có tính năng tàng hình và đường bay lắt léo rất khó bắn chặn.
Theo thống kê, năm 2017, chính phủ Nga dự chi 3,05 tỷ ruble (gần 54 tỷ USD) cho quân sự. Trong khi đó Mỹ đã chi 793,7 tỷ USD cho ngân sách quân sự năm 2017.