Mỹ tiết lộ số lượng tên lửa tầm xa ATACMS còn lại của Ukraine

Ukraine đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt tên lửa ATACMS và không có nguồn cung cấp bổ sung. Điều này đặt ra thách thức lớn cho khả năng tấn công tầm xa của Kiev trong bối cảnh xung đột với Nga leo thang.

Chú thích ảnh
Tên lửa được phóng từ Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti ngày 28/12 cho biết dựa vào thông tin tiết lộ từ các quan chức Mỹ với tờ New York Times thì hiện nay Lực lượng vũ trang Ukraine chỉ có vài chục tên lửa đạn đạo chiến thuật lục quân (ATACMS).

“Vào thời điểm này, Ukraine chỉ còn lại 'vài chục tên lửa' - có lẽ là khoảng 50 và không có cơ hội để có thêm số lượng tên lửa vốn bị hạn chế của Mỹ do đã được phân bổ để triển khai ở Trung Đông và châu Á", tờ báo của Mỹ viết.

Ngoài ra, New York Times cho biết thêm, tên lửa tầm xa của Mỹ không thể ảnh hưởng đến diễn biến chiến sự ở Ukraine. ATACMS lặp lại số phận của Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS), máy bay chiến đấu F-16 và các loại vũ khí khác của phương Tây mà Kiev yêu cầu.

New York Times tóm tắt: “Không một loại vũ khí nào trở thành 'viên đạn bạc' (cho Ukraine)”.

Vào giữa tháng 11 năm nay, có tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Vương quốc Anh và Pháp cũng cấp phép tương tự cho các tên lửa Storm Shadow và SCALP của họ.

Việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS và các loại khác nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công của nước này trong bối cảnh lực lượng Nga đang gia tăng áp lực tại các khu vực chiến lược. Tên lửa ATACMS có tầm bắn khoảng 300 km, cho phép Ukraine có khả năng tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga, từ đó làm giảm khả năng tiếp viện và tăng cường sức mạnh cho quân đội Ukraine

Sau đó vào ngày 21/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu trước công chúng, tuyên bố rằng để đáp trả các cuộc tấn công từ phía Ukraine nhằm vào các mục tiêu ở khu vực Kursk và Bryansk bằng tên lửa ATACMS và Storm Shadow, Moskva đã thử nghiệm một trong những hệ thống tên lửa tầm trung siêu vượt âm mới nhất, Oreshnik.

Ngược lại, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết ông coi quyết định của Tổng thống Biden là sai lầm và có thể hủy bỏ quyết định trên sau khi nhậm chức.

Kể từ khi được phép sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga, Ukraine đã thực hiện một số cuộc tấn công nhưng phải giảm nhịp độ do số lượng tên lửa hạn chế.

Các nước khác có khả năng cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy có nhiều hạn chế và khó khăn. Anh đã cung cấp tên lửa Storm Shadow cho Ukraine, cho phép Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, gần đây, chính phủ Anh cũng thừa nhận rằng nguồn cung cấp tên lửa của họ không còn nhiều.

Tương tự như Anh, Pháp cũng đã viện trợ tên lửa SCALP cho Ukraine. Tuy nhiên, không có thông tin rõ ràng về khả năng cung cấp thêm tên lửa từ Pháp trong thời gian tới. Mỹ đã cung cấp một số lượng lớn tên lửa ATACMS cho Ukraine, nhưng hiện tại kho dự trữ của họ cũng đang cạn kiệt và không có kế hoạch bổ sung nào được thực hiện.

Việc các nước phương Tây khác cung cấp thêm tên lửa tầm xa cho Ukraine gặp khó khăn do sự lo ngại về việc leo thang xung đột với Nga. 

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo RIA Novosti)
Ông Trump với tham vọng xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa 'Vòm Sắt' kiểu Mỹ
Ông Trump với tham vọng xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa 'Vòm Sắt' kiểu Mỹ

Tổng thống đắc cử Donald Trump một lần nữa cam kết triển khai lá chắn tên lửa "Made in America" để bảo vệ nước Mỹ. Nhưng ý tưởng đầy tham vọng này đang làm dấy lên nhiều nghi ngờ về tính khả thi và hiệu quả trong bối cảnh địa lý và mối đe dọa khác biệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN