Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đang trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận về khả năng phòng thủ trước các tên lửa tiên tiến, đặc biệt là tên lửa tầm trung siêu vượt âm Oreshnik của Nga.
THAAD là một hệ thống phòng thủ hiện đại, được thiết kế đặc biệt để đánh chặn tên lửa đạn đạo, từ tầm ngắn đến tầm trung và tầm xa. Nó có thể đánh chặn tên lửa ở giai đoạn bay cuối, đánh chặn và tiêu diệt hiệu quả các mối đe dọa đang tới ở tầm bay cao, do đó giảm thiểu tác động của vũ khí hủy diệt hàng loạt.
THAAD bao gồm 5 bộ phận chính: Bệ phóng, vũ khí đánh chặn, radar, bộ phận điều khiển hỏa lực và các thiết bị hỗ trợ cần thiết. Hệ thống này áp dụng phương pháp tấn công - tiêu diệt, sử dụng động năng để vô hiệu hóa tên lửa, loại bỏ nhu cầu sử dụng đầu đạn nổ, giúp đảm bảo độ chính xác và hiệu quả cao hơn. Phương pháp này là một tiến bộ đáng kể trong công nghệ phòng thủ tên lửa.
Thông thường, một khẩu đội THAAD gồm 6 bệ phóng, mỗi bệ có khả năng bắn 8 tên lửa đánh chặn. Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm 6 bệ phóng gắn trên xe tải, mỗi bệ phóng có 8 tên lửa đánh chặn, một hệ thống radar, thiết bị liên lạc và điều khiển hỏa lực. Cần tối thiểu 95 người để vận hành hệ thống. Hệ thống này đặc biệt hiệu quả trước các mối đe dọa tên lửa đạn đạo.
THAAD có thể ngăn chặn các mối đe dọa trong phạm vi 200km, ở độ cao lên tới 150km. Radar của hệ thống, AN/TPY-2, có khả năng đặc biệt, phạm vi phát hiện tối đa lên tới 1.000km, cho phép nó xác định tên lửa đang bay tới ở khoảng cách rất xa. Với khả năng tích hợp radar tiên tiến và các yếu tố chỉ huy kiểm soát mạnh mẽ, THAAD đóng vai trò then chốt trong kiến trúc phòng thủ tên lửa nhiều lớp.
Khả năng tương tác của THAAD với các hệ thống phòng thủ tên lửa khác như Aegis và Patriot giúp nâng cao hiệu quả của nó, tạo ra một hệ thống phòng thủ toàn diện, nhiều lớp. THAAD có tính cơ động cao, khả năng triển khai nhanh chóng nên quan trọng trong việc chống lại các mối đe dọa tên lửa ở những khu vực có tầm quan trọng chiến lược.
Tuy nhiên, trước một vũ khí phức tạp như Oreshnik, khả năng của THAAD đang bị thách thức nghiêm trọng. Tên lửa siêu vượt âm này có thể đạt tốc độ lên đến Mach 10 với khả năng cơ động khó lường, vượt xa khả năng đối phó của hầu hết các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có. Các chuyên gia cho rằng mặc dù THAAD có thể đóng vai trò trong chiến lược phòng thủ nhiều lớp, nhưng hiệu quả của nó phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp với các hệ thống khác như Aegis.
Trong khi đó, tên lửa Oreshnik sử dụng công nghệ hoàn toàn mới với nhiên liệu rắn, có thời gian chuyển trạng thái và tăng tốc trong bầu khí quyển ngắn. Điều này khiến việc phát hiện sớm các vụ phóng thông qua hệ thống vệ tinh trinh sát là rất khó khăn.
Thêm vào đó, tình hình càng trở nên phức tạp khi Oreshnik không chỉ mang một đầu đạn đơn lẻ. Trong giai đoạn giữa của quỹ đạo bay, tên lửa có khả năng triển khai nhiều đầu đạn con, mỗi đầu đạn có khả năng cơ động độc lập. Điều này biến một mục tiêu duy nhất ban đầu thành nhiều mối đe dọa, buộc radar AN/TPY-2 của THAAD phải theo dõi đồng thời nhiều vật thể, khiến việc tính toán phần tử bắn chính xác của THAAD càng trở nên khó thực hiện, làm giảm đáng kể hiệu quả của hệ thống.
Theo nhận định của chuyên gia Brandon J. Weichert, ngay cả khi THAAD được triển khai, bất chấp những gì các nhà thiết kế tuyên bố, thì việc cố gắng ngăn chặn các loạt tên lửa hành trình siêu vượt âm vẫn "nói dễ hơn làm". Nhận định này càng nhấn mạnh khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực tế trong việc đối phó với các mối đe dọa siêu vượt âm tiên tiến.
Mặt khác, vấn đề chính trị xung quanh THAAD cũng không kém phần phức tạp. Những lời kêu gọi triển khai hệ thống này đến Ukraine đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại Mỹ. Các nhà phân tích lo ngại rằng việc chuyển giao công nghệ có thể khiến nó rơi vào tay đối phương, làm suy yếu lợi thế phòng thủ tên lửa của Mỹ. Hơn nữa, tính phức tạp trong vận hành và yêu cầu hậu cần của THAAD khiến việc triển khai tại các chiến trường có rủi ro cao như Ukraine trở nên khó khăn.
Để đối phó hiệu quả với các thách thức như Oreshnik, các giải pháp trong tương lai đòi hỏi sự kết hợp độ chính xác của THAAD với các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo trong việc xác định các mục tiêu ưu tiên, các biện pháp đối phó với đòn tấn công "bầy đàn" và hệ thống phòng thủ nhiều lớp mạnh mẽ hơn.
Trước tình hình này, Lầu Năm Góc đang đứng trước áp lực phải mở rộng sản xuất và triển khai THAAD để tăng cường khả năng phòng thủ. Quan trọng hơn, họ cần có khoản đầu tư đáng kể để phát triển các giải pháp đối phó mới, có khả năng giải quyết những thách thức độc đáo do vũ khí siêu vượt âm đặt ra.