Quyết định trên được công bố trong một bức thư mới đây của Bộ Năng lượng Mỹ gửi Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, một nhóm chuyên gia độc lập nghiên cứu vấn đề vũ khí hạt nhân và ủng hộ việc chính phủ công khai các vấn đề an ninh quốc gia.
Trong bức thư đề ngày 5/4, phản hồi đề nghị của liên đoàn, Bộ Năng lượng viết: "Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, chúng tôi quyết định các thông tin yêu cầu không thể được tiết lộ vào thời điểm này".
Tuy nhiên, bộ trên không giải thích gì về quyết định mà chỉ nhấn mạnh quyết định này do Nhóm Công tác tiết lộ dữ liệu hạn chế trước đây, bao gồm các quan chức của Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng Mỹ, đưa ra. "Dữ liệu hạn chế trước đây" là thuật ngữ để chỉ các thông tin như số lượng kho hạt nhân, đầu đạn hạt nhân và các địa điểm.
Tháng 5/2010, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã lần đầu tiên công bố toàn bộ lịch sử của kho vũ khí hạt nhân Mỹ kể từ năm 1945. Tổng số đầu đạn hạt nhân tính đến ngày 30/9/2009 là 5.113 đầu đạn, xấp xỉ con số mà các chuyên gia ước tính và thấp hơn 84% con số cao nhất là 31.255 đầu đạn của năm 1967.
Lần gần đây nhất Mỹ công bố các số liệu kiểu này là vào năm ngoái, khi chính quyền của Tổng thống Trump thông báo kho vũ khí nước này gồm 3.822 đầu đạn hạt nhân (tính đến ngày 30/9/2017), giảm 196 đầu đạn so với cùng kỳ năm trước đó. Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ ước tính Nga hiện có khoảng 4.350 đầu đạn hạt nhân, trong khi Chính phủ Nga không tiết lộ về kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Trong một bài phân tích đăng tải ngày 17/4, Giám đốc Dự án Thông tin hạt nhân liên bang Mỹ, ông Hans M. Kristensen cho rằng quyết định dừng tiết lộ kho vũ khí hạt nhân năm 2018 là “không cần thiết và phản tác dụng”.
Theo ông, việc giữ bí mật con số trên không liên quan gì đến an ninh quốc gia. Quyết định này đi ngược lại chính sách minh bạch kho vũ khí hạt nhân của Mỹ được áp dụng trong gần một thập kỷ. Quan chức trên cũng nói rằng chính quyền của Tổng thống Trump trước đây liên tục chỉ trích Nga và Trung Quốc giữ bí mật về kho vũ khí của họ, giờ đây Mỹ dường như lại ủng hộ điều này.