Ông Yan Noviko, Tổng giám đốc Almaz-Antey, phát biểu tại một diễn đàn về công nghệ mới ở thủ đô Moskva hôm 23/5: “Hệ thống radar Nebo-M là ‘sát thủ’ của công nghệ tàng hình. Radar có thể phát hiện F-22, F-35 tương đối dễ dàng”. Ông Niviko cũng cho biết Almaz-Antey có khả năng sản xuất khoảng 30 loại radar đa năng di động, nhờ đầu tư đúng mức cho các dự án nghiên cứu cũng như công nghệ mới.
55ZH6M Nebo-M là radar cảnh giới đời mới nhất của Nga, do Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Vô tuyến Nizhny Novgorod (NNIIRT) trực thuộc Almaz-Antey thiết kế, chế tạo. Cùng với radar Container, đài cảnh giới Nebo-M được xem là xương sống trong mạng radar chiến trường trên biên giới bộ của Nga. Cho đến nay, 55ZH6M Nebo-M đã được triển khai trên tất cả các hướng trọng yếu nhất tại Nga.
Tổ hợp Nebo-M đầu tiên đã được chuyển giao cho Quân khu miền Tây năm 2017, kế đến là các đơn vị chiến đấu đóng quân tại Transbaikalia, Khabarovsk và Primorye. Một năm sau, mạng radar tối tân này được triển khai ở một đơn vị phòng không đóng tại Crimea. Hệ thống Nebo-M di động có thể được nhanh chóng tái bố trí ở những địa điểm khác bằng đường bộ hoặc không vận.
Dòng Nebo-M đời mới có khả năng phát hiện máy bay, tên lửa đạn đạo ở khoảng cách lên đến 1.000 km, một bước tiến lớn so với các hệ thống rada Nebo đời đầu được phát triển dưới thời Liên Xô. Đài radar cảnh giới này hoạt động theo nguyên lý quét điện tử chủ động, khiến 55ZH6M Nebo-M có khả năng chống gây nhiễu của đối phương. Khi được lắp đặt chuyên để bám mục tiêu ở độ cao tầm trung, đài Nebo-M đôi khi được bố trí kèm hệ thống radar cảnh giới tầm thấp như loại Podlet-E.
Có phải là điều thực sự đáng ngại với tiêm kích tàng hình của Mỹ?
Hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lời ông Noviko còn cho biết công nghệ tàng hình không gây khó khăn cho các tổ hợp radar mới của Nga. Về lý thuyết, điều này là đúng, bởi radar cảnh giới tần số cao VHF như 55ZH6M Nebo-M có thể xác định một chiếc F-35 hay F-22 đang bay.
Giới chuyên gia Mỹ cho rằng còn nhiều điều cần xác nhận trong tuyên bố của Nga. Xác định mục tiêu mới là bước đầu và một phần trong cả quá trình bám, bắt chết mục tiêu với nhiều giai đoạn. Sau khi định vị mục tiêu, đơn cử như chiếc F-35, yêu cầu đặt ra với đài radar cảnh giới là cố định mục tiêu, theo dõi, “bắt” thành công trước khi chuyển thông số tới đơn vị có nhiệm vụ diệt mục tiêu.
Theo tướng Dan Flattley, cựu chuyên gia lái F-35 của không quân Mỹ, muốn diệt được F-35, Nga phải xây dựng được cả một chuỗi diệt mục tiêu. Nhiệm vụ này thường được các tên lửa phòng không của Nga, như hệ thống phòng thủ S-400 của Nga, đảm nhận. Cho đến lúc này, việc S-400 có đủ sức diệt tiêm kích tàng hình F-35 hay F-22 hay không vẫn là chủ đề tranh cãi.
Về mặt kĩ thuật, rõ ràng đài cảnh giới 55ZH6M Nebo-M có thể xác định được tiêm kích thế hệ thứ 5 của Mỹ. Nhưng đó mới chỉ là một phần trong cả chuỗi tác chiến. Định vị được là một chuyện, nhưng hệ thống phòng không của Nga có diệt được F-35 và F-22 không lại là một câu chuyện khác, bởi liên quan đến rất nhiều yếu tố.
Nếu “phát hiện” nhưng không có khả năng “tấn công chính xác” thì tính năng của radar cũng không có nhiều ý nghĩa. Công nghệ tàng hình của Mỹ chỉ cần vượt qua được giới hạn “tiêu diệt” của tên lửa Nga là coi như thành công.