Theo trang DW và hãng tin Interfax, việc Nga chế tạo các tàu ngầm hạt nhân mới là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Mỹ và các cuồng quốc phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được truyền thông dẫn lời đã công bố việc khởi động hai tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa ICBM, cùng với hai tàu ngầm chạy diesel và hai tàu hộ tống tại các xưởng đóng tàu Severodvinsk, St. Petersburg và Komsomolsk-on-Amur.
Tổng thống Putin nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tiềm lực Hải quân, phát triển các cơ sở và hạ tầng kỹ thuật, trang bị cho Hải quân những vũ khí-khí tài hiện đại nhất… Một nước Nga hùng mạnh và chủ quyền cần một lực lượng hải quân hậu và xứng tầm”. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh “chúng tôi sẽ tiếp tục cho thấy lá cờ Nga hiện diện tại những vùng biển quan trọng mang tính chiến lược của thế giới”.
Điện Kremlin coi hiện đại hóa quân đội là ưu tiên hàng đầu hiện nay giữa lúc quan hệ của Moskva với phương Tây xuống mức thấp kể từ sau Chiến tranh Lạnh, sau sự kiện Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014. Moskva cũng đang nỗ lực tái lập sự hiện diện của Hải quân Nga tại một số khu vực trên thế giới như Liên Xô trước đây từng làm dưới thời Chiến tranh Lạnh.
Hiện nay, dù không phải là một lực lượng hải quân toàn cầu như Mỹ, song Hải quân Nga có sự hiện diện lớn ở Địa Trung Hải, với một căn cứ hải quân đặt tại cảng Tartus của Syria. Nga cũng đã mở rộng và hiện đại hóa căn cứ Tartus, cơ sở duy nhất của Nga còn duy trì bên ngoài lãnh thổ các nước thuộc Liên Xô trước đây.
Trước đó, phát biểu tại lễ duyệt binh hải quân hồi tháng 7 ở thành phố Saint Petersburg, Tổng thống Putin cảnh báo Hải quân Nga sẵn sàng mở “một cuộc tấn công không thể ngăn chặn” nhằm vào các mục tiêu kẻ thù để bảo vệ “các lợi ích quốc gia” của Nga. Tuyên bố này được coi là thông điệp đanh thép mà Moskva với tới phương Tây, chỉ vài tuần sau vụ tàu chiến Nga nổ súng cảnh cáo một chiến hạm Hải quân Hoàng gia Anh ở ngoài khơi Bán đảo Crimea.
Ngày 23/8, tại Trung tâm hội nghị và triển lãm của Công viên yêu nước ở ngoại ô thủ đô Moskva, Nga cũng đã khai mạc Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự Quốc tế (Army) 2021 và Hội thao Quân sự Quốc tế (Army Games) 2021. Trong bài diễn văn khai mạc, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh rằng vũ khí của Nga “đã bảo vệ an ninh của nhiều quốc gia trên thế giới”.
Tại diễn đàn, Bộ Quốc phòng Nga giới thiệu 342 đơn vị vũ khí và trang thiết bị quân sự hiện đại đã và sắp được đưa vào phiên chế trong quân đội Nga và một số nước. Trong số vũ khí này có Robot Uran-6, phương tiện rà phá bom mìn mới; Xe bọc thép chở quân Typhoon-M; Xe chiến đấu của tổ hợp pháo phản lực đa nòng TOS-1; Xe tăng chiến đấu T-90M; Tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần Sosna; Tổ hợp tên lửa phòng không tối tân Altei-4000; Trực thăng tấn công Mi-28NE hay máy bay trinh sát-tấn công không người lái tầm xa Sirius...
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa bình luận gì về thông tin Nga khởi công đóng các tàu ngầm hạt nhân mới, dù trước đó Washington đã bày tỏ quan ngại về sự phát triển chương trình vũ khí tương lai của Nga.
Một báo cáo quốc hội gần đây cho thấy chủ đề chính trong các thảo luận về ưu tiên quốc phòng của Mỹ những năm gần đây đã chuyển từ hoạt động chống khủng bố sang các vấn đề như “duy trì ưu thế của Mỹ về công nghệ vũ khí thông thường”. Theo báo cáo này, “việc Nga nâng cao vị thế với tư cách là một cường quốc lớn trên thế giới cũng bao gồm việc giới chức Nga nhiều lần đề cập tới năng lực vũ khí hạt nhân của nước này và vị thế một cường quốc vũ khí hạt nhân của Nga”.