Phiên bản Mod 7 – được nâng cấp trong khuôn khổ chương trình Hệ thống Định vị thủy âm băng thông rộng (CBASS) sẽ giúp tàu tấn công của Hải quân Mỹ ứng phó được với những mối đe dọa từ tàu ngầm và tàu chiến của Nga và Trung Quốc.
Giám đốc quản lí chương trình Mk-48 Tom Jarbeau cho biết: “Công nghệ kỹ thuật điều khiển và hướng dẫn hiện đại nhất dành cho Mk-48 là một phần trong dự án đầu tư 10 triệu USD của tập đoàn Lockheed Martin trong việc sản xuất cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm, nâng cao tính hiệu quả để đảm bảo hải quân có thể đối phó với những mối đe dọa trên các vùng biển sâu. Trong 50 năm qua, chúng ta đã thu được nhiều bài học kinh nghiệm về hệ thống dưới biển và đạt được nhiều thành tựu trong việc cung cấp các hệ thống điện tử phức tạp tới các khách hàng đúng hạn và vừa vặn ngân sách”.
Tập đoàn Lockheed Martin đã phát triển phiên bản mới của ngư lôi Mk-48 theo hợp đồng 5 năm có trị giá 425 triệu USD được đề xuất năm 2011. Trong khi các cải tiến Mod 7 sẽ được đưa vào lắp đặt trong thế hệ ngư lôi mới, thì công nghệ này cũng có thể được sử dụng vào những loại vũ khí lâu đời hơn. Theo điều kiện hợp đồng, mỗi tháng tập đoàn sẽ phải chuyển giao cho lực lượng hải quân 20 chiếc Mod 7 CBASS. Tập đoàn cũng hi vọng trong 5 năm tới sẽ bán được 250 quả ngư lôi cho hải quân Mỹ.
So sánh với những phiên bản cũ, loại ngư lôi Mod 7 làm tăng băng tần hệ thống định vị thủy âm. Nó có thể phát và nhận xung sóng (hay còn gọi là “ping”) trên một phổ tần số vô tuyến rộng hơn. Bên cạnh đó loại ngư lôi này còn được trang bị kỹ thuật xử lí dấu hiệu băng thông rộng để cải thiện việc tìm kiếm của vũ khí cũng như hiệu quả tấn công. Đặc biệt, Mod 7 sử dụng máy tính công nghệ mở hiện đại, điều đó cho phép cài đặt thêm và nâng cấp phần mềm, phần cứng mới một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Kích thước của quả ngư lôi mới vẫn giữ nguyên đường kính 53,3 cm, nặng gần 1.600 kg, trong đó đầu đạn nặng 294 kg. Bản gốc của loại ngư lôi này được thiết kế trong những năm 1960 và được đưa vào biên chế quân đội vào năm 1971.